| Hotline: 0983.970.780

Tiêu hủy hơn 700 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 24/11/2023 , 05:55 (GMT+7)

20 ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà Giang không còn dịch tả lợn Châu Phi, nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn khi đang trong giai đoạn chuyển mùa và cận kề tết.

Đã có hơn 700 con lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Hà Giang phải tiêu hủy. Ảnh: Đào Thanh.

Đã có hơn 700 con lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Hà Giang phải tiêu hủy. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Hà Giang, từ tháng 9 đến đầu tháng 11 trên địa bàn tỉnh có 708 con lợn chết và tiêu hủy bắt buộc tại 89 hộ/11 thôn ở các xã Bạch Ngọc, Việt Lâm, Ngọc Minh và thị trấn Vị Xuyên, trọng lượng trên 21 tấn.

Ngay sau khi phát hiện có dịch, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Hà Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai một số nội dung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chi cục cũng trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tăng cường 1 viên chức hỗ trợ huyện Vị Xuyên để chống dịch.

Hiện, toàn huyện Vị Xuyên có trên 16.000 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 115.000 con, gần 50 hộ gia đình thực hiện kinh doanh giết mổ lợn.

Ngay sau khi công bố có dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương có dịch đã thực hiện tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh và thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực ổ dịch bằng vôi bột và hóa chất.

Tổng số hóa chất đã sử dụng tại vùng dịch là 184 lít và gần 5 tấn vôi bột để thực hiện xử lý ổ dịch, khu vực chuồng nuôi, hố chôn và vùng xung quanh.

Gia đình chị Trần Thị Đài, thôn Chung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên có 5 con lợn chuẩn bị xuất chuồng bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và phải tiêu hủy.

Chị Đài cho biết, ngày 28/9 đàn lợn 5 con của gia đình xuất hiện các biểu hiện bỏ ăn, sốt phát ban. Chị đã báo cho chính quyền địa phương và được xác định đàn lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, chị Đài tích cực phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tiêu hủy đàn lợn. Sau khi tiêu hủy, gia đình chị đã thực hiện ngay các biện pháp khử trùng nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh phát tán.

Đã qua 20 ngày, Hà Giang không ghi nhận thêm lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đào Thanh.

Đã qua 20 ngày, Hà Giang không ghi nhận thêm lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đào Thanh.

Từ ngày 2/11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã cơ bản khống chế dịch bệnh và không phát sinh lợn mắc bệnh.

Trong đó, xã Bạch Ngọc đã qua 19 ngày; xã Ngọc Minh đã qua 18 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh; thị trấn Vị Xuyên đã công bố hết dịch trên địa bàn; xã Việt Lâm đã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh.

Trước tình hình trên, ngành NN-PTNT Hà Giang đề nghị UBND huyện Vị Xuyên thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc toàn bộ vùng dịch đảm bảo theo quy định, không để dịch bệnh tái phát và kiểm tra, rà soát với các địa phương có đủ điều kiện đề nghị ngành thẩm định công bố hết dịch theo quy định.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Hà Giang cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, ngành NN-PTNT và chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng trừ dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giao mùa hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Hiện, toàn tỉnh Hà Giang có gần 595.000 con lợn. Những năm qua, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người chăn nuôi ở Hà Giang.

Do đó, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực, vào cuộc của chính quyền và các ngành chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, vệ sinh chuồng trại đúng quy trình nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh có thể tái phát gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.