| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng với dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời điểm nhạy cảm

Thứ Ba 21/11/2023 , 22:01 (GMT+7)

Mùa mưa lũ là thời điểm nhạy cảm, dịch bệnh dễ bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi nên công tác phòng chống dịch, xử lý môi trường cần hết sức lưu tâm.

Mùa mưa lũ là thời điểm dịch bệnh trên vật nuôi dễ phát sinh, lây lan. Ảnh: L.K.

Mùa mưa lũ là thời điểm dịch bệnh trên vật nuôi dễ phát sinh, lây lan. Ảnh: L.K.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, các loại bệnh cúm gia cầm (A/H5N1), viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi và bệnh lở mồm long móng làm cho 3.200 con gia cầm và 624 con gia súc của tỉnh mắc bệnh, bị chết và tiêu hủy.

Đến thời điểm này, các ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm đã qua 21 ngày. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Do đó, công tác phòng chống, chăm sóc, bảo vệ cho đàn vật nuôi là hoạt động cấp thiết, quan trọng và có tính ưu tiên cao.

Để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa bàn Quảng Ngãi đang tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động triển khai thực hiện các biện pháp, trong đó chú trọng tiêm vacxin phòng bệnh. Hạn chế thấp nhất nguy cơ đàn vật nuôi nhiễm bệnh, lây lan gây thiệt hại kinh tế cho các hộ chăn nuôi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (trú xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) hiện đang nuôi 3 con bò lai 3B. Theo kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm qua, ông Thọ cho biết, thông thường cứ bước vào mùa mưa, trâu bò thường hay mắc các loại bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

“Để phòng bệnh, vừa qua, tôi cũng đã liên hệ với cán bộ thú y địa phương để tiêm vacxin phòng dịch. Ngoài ra, hàng ngày gia đình cũng luôn chú trọng đến việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rải vôi khử trùng theo định kỳ. Cùng với đó là hạn chế thả rông để tránh mầm bệnh bên ngoài môi trường, chủ động dự trữ thức ăn rơm rạ, sửa chữa chuồng trại để tránh mưa tạt, gió lùa”, ông Thọ chia sẻ.

Còn tại trang trại của ông Đỗ Quý Nam (ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) hiện có gần 3.000 con gà, trong đó gà đẻ trứng hơn 1.000 con. Để đàn gia cầm phát triển tốt, đảm bảo an toàn với dịch bệnh, ông Nam chủ động tiêm đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh.

“Đối với vacxin phòng bệnh cúm A/H5N1, tôi đăng ký và được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mộ Đức cấp để tiêm định kỳ cho gà. Mùa mưa này, dịch bệnh diễn biến khó lường nên tôi chú trọng gìn giữ vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn xung quanh khu vực nuôi và hạn chế người ra vào chuồng trại, không để mầm bệnh xâm nhập”, ông Nam cho biết.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo các hộ chăn nuôi nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ. Ảnh: L.K.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo các hộ chăn nuôi nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ. Ảnh: L.K.

Cùng với ý thức của người dân, thời gian qua, chính quyền một số địa phương của tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại các điểm có nguy cơ cao. Tổ chức rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vacxin đầy đủ liều theo quy định. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi, hiện đang là mùa mưa, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện lũ, ngập úng. Trong khi đó, lũ lụt sẽ làm cho mầm bệnh theo dòng nước lan đi khắp nơi. Lũ lụt càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy hiểm càng cao.

Nếu như công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại không được thực hiện tốt sẽ làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi, khiến cho các mầm bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và có nguy cơ bùng phát.

Ông Đỗ Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi cho rằng, trong trường hợp địa phương nào bị lũ lụt sau lũ, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn, hư hỏng. Đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất nổi lên bám vào cỏ cây, sức khỏe của đang vật nuôi giảm sút.

Do vậy, vật nuôi cần được chăm nuôi chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn đã ẩm mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình phục hồi.

“Trước khi mưa bão, chúng tôi cũng khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo thời tiết, tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu với tác động do thay đổi lớn về khí hậu cũng như có biện pháp khắc phục hiệu quả khi mưa bão, lũ lụt hoặc dịch bệnh xảy ra.

Đối với những khu vực xảy ra lũ, khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng. Đồng thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập, tẩy uế môi trường nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh. Song song với đó là tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi”, ông Chung nói.

Xem thêm
Nuôi gà Ai Cập lấy trứng theo hướng an toàn sinh học

AN GIANG Mô hình chăn nuôi gà Ai Cập lấy trứng thương phẩm, nhân giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn sinh học đã mở ra hướng mới cho người chăn nuôi.

Vùng tâm lũ Phú Thọ quyết tâm lấy vụ đông bù vụ mùa

PHÚ THỌ Tỉnh Phú Thọ sẽ chỉ đạo và hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ sang trồng cây vụ đông để bù đắp thiệt hại.

Mô phỏng là công cụ độc đáo để trải nghiệm thực hành ảo

Vĩnh Long Mô phỏng là một trong những công cụ độc đáo hiện nay để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập các khái niệm khoa học phức tạp thông qua trải nghiệm thực hành ảo.