| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống thiên tai, đừng để nỗi đau tiếp diễn: Hiểm nguy rình rập

Thứ Sáu 16/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Lượng mưa hàng năm lớn, tập trung cùng thời điểm; địa hình dốc núi chia cắt theo 2 sườn Đông, Tây Trường Sơn… khiến nguy cơ sạt lở tại Hướng Hóa luôn hiện hữu.

Điểm có nguy cơ sạt lở nhiều vô kể

Thôn Tà Rùng, xã Húc chỉ là một trong số rất nhiều địa phương của huyện Hướng Hóa nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài sạt lở, địa phương này còn đối mặt với các loại hình thiên tai khác như hạn hán, giông lốc, bão, sét... Điều đó khiến công tác phòng chống thiên tai gặp khó khăn.

Nhiều ngôi nhà ở huyện Hướng Hóa chênh vênh bên triền núi đang đối diện với nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều ngôi nhà ở huyện Hướng Hóa chênh vênh bên triền núi đang đối diện với nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, địa phương này có lượng mưa hàng năm lớn với khoảng 1.850mm. Trong đó, tổng lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 11 chiếm 88% lượng mưa cả năm.

Vùng đất này có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, dốc theo 2 sườn Đông và Tây Trường Sơn. Núi cao, sườn dốc, lượng mưa lớn, tập trung cùng thời điểm trong năm là nguyên nhân khiến các dãy núi dễ bị đứt gãy gây ra sạt lở. Bên cạnh đó, giao thông phát triển thiếu đồng bộ khiến việc tiếp cận khu vực xảy ra sạt lở gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê, 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có nguy cơ xảy ra sạt lở. Trong đó, 120 hộ, trên 400 nhân khẩu luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ suối; trên 950 hộ, trên 4 nghìn nhân khẩu thường xuyên bị đe dọa bởi lũ quét; gần 600 hộ, trên 2,6 nghìn nhân khẩu sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất; gần 2,7 nghìn hộ, trên 12,5 nghìn nhân khẩu nằm trong vùng thường xuyên bị chia cắt, ngập sâu. Số người cần sơ tán theo các cấp độ bão, cấp độ lũ lên đến hàng chục nghìn người. Trước những nguy cơ tiềm ẩn về thiên tai, huyện Hướng Hóa luôn phải sẵn sàng chuẩn bị hàng nghìn điểm sơ tán dân trong các trường hợp khẩn cấp.

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho hay, do nằm trong vùng thường xuyên phải chịu ảnh hưởng thiên tai nên kinh tế địa phương bị ảnh hưởng lớn. Là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn, kiến thức phòng chống thiên tai còn hạn chế, khi xảy ra thiên tai, thiệt hại khó lường.

Vì vậy, đối với Hướng Hóa, việc chủ động phòng ngừa từ trước các tình huống rủi ro thiên tai là rất cần thiết. Biển cảnh báo thiên tai được đặt tại hầu hết các tuyến xung yếu. Một số xã như Hướng Lập, Thanh, Ba Tầng được lắp đặt camera giám sát thiên tai. Thông qua các chương trình hỗ trợ, các tổ chức phi chính phủ, hiện nay, trang thiết bị và công tác tập huấn phòng chống thiên tai được trang bị thường xuyên.

Tại huyện Đakrông, sạt lở đã xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Tại huyện Đakrông, sạt lở đã xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

"Ngoài việc chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai theo kế hoạch hàng năm, chúng tôi thường xuyên lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Địa phương đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nâng cao năng lực, trang thiết bị phòng chống thiên tai. Thời gian tới, chúng tôi sẽ trang bị thêm một số trạm đo mưa tự động tại tất cả các xã, thị trấn", ông Bình cho hay.

Sạt lở từ miền xuôi lên miền ngược

Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 133km bờ sông, bờ biển sạt lở chưa được khắc phục, xử lý. Trong đó có gần 27km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gần 73km sạt lở nguy hiểm.

Sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống hơn 4,5 nghìn hộ dân sinh sống hai bên bờ sông tại khu dân cư thuộc nhiều huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có khoảng 800 hộ hiện đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm, chỉ cách mép sông dưới 20m.

Sạt lở bờ sông ăn sâu vào vườn của người dân tại huyện Triệu Phong. Ảnh: Võ Dũng.

Sạt lở bờ sông ăn sâu vào vườn của người dân tại huyện Triệu Phong. Ảnh: Võ Dũng.

Trong 6 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Quảng Trị đã đầu tư gần 850 tỉ đồng làm kè chống sạt lở. Tuy nhiên, chỉ như muối bỏ bể, sạt lở vẫn đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Công tác phòng chống thiên tai được đề cập tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri và kỳ họp HĐND các cấp.

Tại kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa qua, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin, tỉnh nhận được rất nhiều kiến nghị liên quan đến sạt lờ bờ sông. Không chỉ huyện Hướng Hóa, sạt lở bờ sông diễn ra ở hầu hết các huyện như Cam Lộ, Gio Linh, thị xã Quảng Trị… Tại huyện Triệu Phong, người dân phản ánh, tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều con sông như Thạch Hãn, Vĩnh Định, Ái Tử đoạn đi qua 7 xã trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất.

Cử tri xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) cho hay điểm tiếp giáp thôn Mộc Đức và Trương Xá sạt lở nghiêm trọng, dài khoảng 100m. Sạt lở ăn sâu vào điểm chỉ cách nhà 10m khiến người dân mất ăn mất ngủ. Sạt lở ăn sâu tạo thành hàm ếch ở tuyến đường liên huyện, nơi có lưu lượng người và xe cộ qua lại đông. Hiện tại, sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại do nền đất rất yếu, nước ngầm trong lòng đất tiếp tục chảy ra, trên mặt xuất hiện nhiều vết nứt. Trên 270 hộ dân tại huyện Cam Lộ đang phải sống trong tâm trạng lo âu thấp thỏm.

Ở huyện miền núi Đakrông, người dân xã A Ngo cũng lo lắng sạt lở bờ sông Đakrông sẽ khiến 32 hộ, 143 nhân khẩu mất đất sản xuất, ảnh hưởng tính mạng và tài sản. Tại địa bàn này, mặc dù thời gian qua đã có các chương trình dự án xây dựng bờ kè nhưng hiện vẫn còn nhiều điểm sạt lở mới uy hiếp đến đất ở và đất sản xuất của người dân.

Trước tình trạng xuất hiện nhiều điểm sạt lở xung yếu, đến nay, Quảng Trị chỉ mới ưu tiên khắc phục tại một số vị trí cấp bách như đầu tư 1,12km kè với sông Sa Lung, kinh phí gần 11,6 tỉ đồng. Trên các sông Thạch Hãn, Vĩnh Định, Ái Tử cũng đã bố trí 6 tỉ đồng để xây dựng hơn 0,7km kè trong năm 2023 và tiếp tục triển khai trên 3km trong năm 2024.

Đê kè bờ sông đang bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Đê kè bờ sông đang bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hà Sỹ Đồng cho hay, trong điều kiện ngân sách tỉnh hạn chế, toàn bộ nguồn vốn xây dựng đê kè phụ thuộc vào Trung ương. Vì vậy, việc đầu tư chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã huy động nguồn lực, xây dựng hơn 66km kè chống sạt lở với kinh phí gần 850 tỉ đồng. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thêm trên 1,2 nghìn tỉ đồng để đầu tư 62,59km kè bờ sông, bờ biển tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

"Thời gian tới, đối với vấn đề phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, UBND tỉnh sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu UBND tỉnh triển khai các nội dung, nhiệm vụ về phòng, chống sạt lở bờ sông đảm bảo an toàn, lâu dài", ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.

Xem thêm
Bà Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời

0 giờ 50 phút ngày 17/9, cụ bà Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi.

Trà Vinh khắc phục 3 vị trí sụp lún kè biển

Sở NN-PTNT Trà Vinh phối hợp với địa phương tiến hành khắc phục tạm 3 vị trí sụp lún trên kè biển Hiệp Thạnh để tránh lan rộng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.

Bình luận mới nhất