| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống thiên tai tại địa phương: Càng chuyên sâu, càng hiệu quả

Thứ Tư 11/05/2022 , 15:26 (GMT+7)

Qua Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT, Trung ương sẽ giúp các địa phương chỉ ra những hạn chế, từ đó có sự điều chỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (trái) và Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (trái) và Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp.

Ngày 11/5, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp báo công bố kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021.

Những năm gần đây, thiên tai ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn biến rất khốc liệt, khó lường, trái quy luật, khó dự báo,… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Qua đó đòi hỏi phải nâng cao năng lực phòng chống để từng bước giảm thiểu thiệt hại.

Tại Việt Nam, nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt công tác PCTT, song cũng còn nhiều địa phương còn có tư tưởng chủ quan, chưa chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao từ phòng ngừa, ứng phó đến khắc phục hậu quả nên còn để xảy ra nhiều thiệt hại không đáng có.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng “Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh”, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã tổ chức xây dựng và ban hành Bộ chỉ số PCTT cấp tỉnh và kế hoạch triển khai đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh được xây dựng với 3 mục tiêu chính. Một là xác định chỉ số PCTT để theo dõi, đánh giá, một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm của cấp tỉnh.

Hai là đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả bằng định lượng thông qua điểm số. Trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm giữa các tỉnh, thành phố.

Ba là thông qua chỉ số PCTT xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác PCTT, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác PCTT hàng năm.

10 tỉnh, thành phố có kết quả công tác PCTT tốt nhất theo Bộ chỉ số năm 2021.

10 tỉnh, thành phố có kết quả công tác PCTT tốt nhất theo Bộ chỉ số năm 2021.

Theo đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức đánh giá độc lập công tác PCTT theo Bộ chỉ số năm 2021 của 63 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện, song tất cả các địa phương đã nhận thức được mục đích và ý nghĩa của Bộ chỉ số đối với công tác PCTT địa phương mình, xác định rõ trách nhiệm và nghiêm túc trong chỉ đạo, thực hiện từ công tác tự đánh giá; cung cấp tài liệu kiểm chứng đến việc phối hợp trong điều tra, tham vấn và xây dựng báo cáo, gửi kết quả, tài liệu kiểm chứng đầy đủ đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Trong quá trình triển khai đánh giá, nhiều địa phương đã có phương pháp, cách làm hay và hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn một số nơi thực tế triển khai tốt, song chưa chú trọng việc xây dựng báo cáo nên kết quả đánh giá chưa phản ánh được đầy đủ năng lực cũng như chất lượng công tác PCTT tại địa phương.

Theo Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh sẽ chỉ ra những công việc cụ thể của từng địa phương: “Bộ chỉ số sẽ đánh giá 4 nội dung trong công tác PCTT. Đó là phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, tổ chức bộ máy và chỉ đạo điều hành. Kể cả những địa phương nằm trong top đầu cũng còn rất nhiều việc cần phải làm, những địa phương top cuối cũng có những công tác được thực hiện tốt”.

“Chính vì vậy, chúng ta cần có sự phân tích chuyên sâu hơn đối với từng địa phương. Việc đầu tiên trong năm 2022, chúng tôi sẽ đánh giá sâu hơn từng khâu trong công tác PCTT của mỗi địa phương, từ đó chỉ ra những hạn chế, tồn tại của địa phương đó”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo nhận định, thiên tai tại mỗi vùng miền, mỗi địa phương lại có sự khác nhau. Bởi vậy, công tác ứng phó tại những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai có thể tốt hơn nhưng khâu khắc phục hậu quả lại khó khăn hơn. Với những địa phương không có thiên tai lại không phải khắc phục nhưng phòng ngừa vẫn cần phải thực hiện tốt. Những nội dung này sẽ được tính toán và đưa vào nội dung, chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh.

Theo Bộ chỉ số năm 2021, nhóm 10 tỉnh/thành phố có kết quả công tác PCTT tốt nhất gồm Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Phòng, Đắk Lắk, An Giang, Cà Mau, Quảng Nam.

“Việc đánh giá xếp hạng chỉ là một mục tiêu của Bộ chỉ số. Quan trọng hơn là qua Bộ chỉ số này, các địa phương sẽ tự đánh giá, Trung ương sẽ giúp các địa phương chỉ ra những điểm hạn chế, từ đó có sự điều chỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.