Dự báo thiên tai cần sớm và chính xác hơn. Thận trọng khi nhập gỗ nguyên liêu từ châu Phi. Xuất khẩu mực chế biến sang Hàn Quốc tăng 123%. Đắk Nông chiếm gần một nửa sản lượng hồ tiêu cả nước.
DỰ BÁO THIÊN TAI CẦN SỚM VÀ CHÍNH XÁC HƠN
Ngày 25/4, tại trụ sở Chính Phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022. Tham gia hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 700 điểm cầu UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp quận, huyện trên cả nước. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo thiên tai cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Phó Thủ tướng cũng dẫn chứng đợt mưa lũ trái quy luật ngay trong thời gian mùa khô ở các tỉnh Nam Trung bộ vừa qua, nếu có thể dự báo, cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn, chắc chắn thiệt hại về tài sản của nhân dân đã được giảm nhẹ hơn". Nhằm chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống thiên tai năm 2022, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ và nguồn lực đầu tư lớn. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
THẬN TRỌNG KHI NHẬP GỖ NGUYÊN LIỆU TỪ CHÂU PHI
Trước tình hình thiếu hụt gỗ nguyên liệu liệu từ nhiều thị trường chính, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhập khẩu mặt hàng này từ châu Phi. Theo thống kê, sau khi giảm liên tiếp trong năm 2020 và năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi trong quý I/2022, đạt 300.000 m3, trị giá 110 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giới chuyên gia nhận định, có rất nhiều mối nguy hại từ nguồn cung châu Phi do các nước cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ cho Việt Nam đều nằm ở phía cuối bảng xếp hạng về Chỉ số nhận thức tham nhũng, hay kỹ năng quản trị rừng.
Những yếu tố này sẽ tạo ra nhiều rủi ro về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện các cam kết và hiệp định quốc tế của Việt Nam, cũng như sự phát triển bền vững của ngành gỗ nói riêng.
XUẤT KHẨU MỰC CHẾ BIẾN SANG HÀN QUỐC TĂNG 123%
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong quý đầu tiên năm 2022 đạt trên 156 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu mực chiếm 54,6%, tăng 40%; bạch tuộc chiếm 45,4%, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu, đạt trên 55 triệu USD. Trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu sang xứ sở kim chi, giá trị mực chế biến tăng 123% nhưng bạch tuộc chế biến lại giảm 7%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong quý 2 dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng cao. Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu, hoạt động khai thác của ngư dân bị ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng cao…vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới.
ĐẮK NÔNG CHIẾM GẦN MỘT NỬA SẢN LƯỢNG HỒ TIÊU CẢ NƯỚC
Đánh giá về vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam -VPA nhận định, vụ thu hoạch đã cơ bản kết thúc với sản lượng đạt 195.000 tấn, giảm khoảng 10% so với năm 2021. Riêng sản lượng hồ tiêu tại Đăk Nông tăng 10% so với năm ngoái, chiếm khoảng 45% sản lượng hồ tiêu của cả nước Trong khi đó, tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm còn lại như Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu sản lượng giảm bình quân 20% so với năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều vườn tiêu đã quá tuổi kinh doanh nên năng suất thấp và dịch bệnh kéo dài.