| Hotline: 0983.970.780

Phòng dịch tả lợn Châu Phi, tiêm vacxin ít tốn kém lại hiệu quả

Thứ Tư 15/11/2023 , 09:23 (GMT+7)

Đối với những bệnh do virus gây ra như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tiêm vacxin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Đàn heo nái sinh sản của Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Đàn heo nái sinh sản của Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Vừa tiêm vừa thăm dò

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, trong thời gian qua, tỉnh này vẫn triển khai tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi nhưng không tiêm đại trà, chỉ những cơ sở chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học mới tiêm thử nghiệm, vừa tiêm vừa thăm dò.

Ví như Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ của Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, nằm trên địa bàn xã Phước Mỹ (thành phố Quy Nhơn), trong thời gian qua, qua đơn vị này đã tiêm vacxin dịch tả lợn Châu PhiNAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO cho đàn heo nái hậu bị. Kết quả tiêm phòng an toàn, những con heo được tiêm vacxin NAVET-ASFVAC có phản ứng tốt, thể trạng bình thường.

Giải thích vì sao Bình Định chưa tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi đại trà, ông Diệp cho biết, dù từ đầu năm đến nay trên địa bàn Bình Định không xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, nhưng virus bệnh này vẫn tồn tại trong môi trường, bất cứ lúc nào cũng có thể xâm nhập những đàn heo có sức đề kháng yếu.

Trong khi trên địa bàn Bình Định vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi heo chưa tuân thủ nghiêm cẩn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, có thể nhiều đàn heo đang nuôi đã nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi nhưng chủ nuôi không biết, nên không dám tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Diệp giải thích thêm: Tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi là đưa virus bệnh này vào đàn heo nhằm tạo kháng thể, để đàn heo có sức đề kháng chống chọi với bệnh. Đối với những đàn heo đã nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi hoặc các mầm bệnh khác, đang ủ bệnh nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, giờ tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi đồng nghĩa đưa thêm virus bệnh này vào thì không con heo nào chịu nổi.

Do đó, cũng theo ông Diệp, dù dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang rình rập gây hại đàn heo trên địa bàn, tiêm vacxin là cách bảo toàn đàn heo hiệu quả nhất, nhưng trong thời gian qua chỉ những cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện, bảo đảm an toàn sinh học, chắc chắn đàn heo của mình không bị nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi mới dám tiêm, và chỉ tiêm những con heo đủ độ tuổi và cân nặng theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Sau khi tiêm, cơ sở chăn nuôi phải theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe của những con heo đã được tiêm chủng. Nếu chúng có biểu hiện khác thường phải liên hệ ngay với cơ quan thú y để kịp thời xử lý.

“Với những bệnh do virus gây ra trên đàn vật nuôi, tiêm vacxin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và ít tốn kém nhất. Thế nhưng vì những lý do nêu trên nên chúng tôi chưa dám tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi đại trà, mà chỉ tiêm cho đàn heo của những cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện, vừa tiêm vừa thăm dò để đảm bảo hiệu quả”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ.

Trong thời gian qua Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ thực hiện tiêm vacxin NAVET-ASFVAC phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho đàn heo hậu bị. Ảnh: V.Đ.T.

Trong thời gian qua Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ thực hiện tiêm vacxin NAVET-ASFVAC phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho đàn heo hậu bị. Ảnh: V.Đ.T.

Vacxin phát huy hiệu quả

Hiện nay, Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ của Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định đang nuôi 150 con nái sinh sản để cung ứng heo giống cho người chăn nuôi tỉnh này. Trong thời gian qua, để bảo toàn đàn heo trước sự uy hiếp của dịch tả lợn Châu Phi, Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ đã tiêm phòng vacxin NAVET-ASFVAC cho đàn heo, nhưng chỉ tiêm cho đàn nái hậu bị từ 4 tháng tuổi trở lên, đạt trọng lượng khoảng 40-50kg/con.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, những con heo cái nuôi từ lúc mới đẻ đến 7-8 tháng tuổi sẽ chịu đực, thời điểm này heo đạt trọng lượng khoảng 80kg/con, đó là những con nái hậu bị.

Giai đoạn trước khi những con heo nái hậu bị chịu đực chúng được tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Heo hậu bị của Trạm có nhiều lứa, nhưng chỉ những lứa heo có trọng lượng 40-50kg/con mới được chọn vào đối tượng tiêm chủng.

Đàn nái hậu bị, đối tượng tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi của Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Đàn nái hậu bị, đối tượng tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi của Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

“Heo nuôi trong Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ được chia thành nhiều ô, mỗi ô khoảng 10 con. Lúc đầu chỉ tiêm 1 ô, trong giai đoạn 21 ngày sau khi tiêm chúng tôi tập trung theo dõi diễn biến sức khỏe của đàn heo, theo dõi cả việc ăn uống, hoạt động của từng con heo. Khi thấy đàn heo được tiêm vacxin không có biểu hiện bất thường, thể trạng của chúng vẫn bình thường và có phản ứng tốt, sau đó chúng tôi mới tiêm tiếp cho ô nuôi heo nái hậu bị khác”, ông Hạnh cho hay.

Cũng theo ông Hạnh, tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi phải theo dịch tể học bệnh của nó, đàn heo nuôi trong Trạm Giống vật nuôi Long Mỹ được ngành chức năng quản lý kỹ, đảm bảo an toàn sinh học, nên không bị nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi thực địa và các mầm bệnh khác, nên khi tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi chúng không bị phản ứng, phát bệnh.

“Heo nuôi trong Trạm được quản lý chặt chẽ, bảo đảm đàn heo không bị nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi và các mầm bệnh khác, sau khi tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi đàn heo hậu bị vẫn phát triển bình thường. Vừa tiêm vừa thăm dò, khi thấy đàn heo đã tiêm vacxin không bị sự cố gì chúng tôi mới tiêm tiếp cho đàn khác.

Vacxin dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC không cho tiêm đủ mọi đối tượng, nên chúng tôi chưa thể tiêm đại trà cho đàn heo của Trạm, nếu được tiêm đại trà cho mọi lứa heo quá tốt. Nhưng nếu loại vacxin này được tiêm đại trà chúng tôi cũng còn phải dè dặt, bởi nó có giá khá cao, khoảng 40.000đ/liều”, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.