| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi, vacxin đã có nhưng còn ngại tiêm

Thứ Tư 08/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đề nghị địa phương còn băn khoăn gì về vacxin dịch tả lợn Châu Phi cần chủ động trao đổi để được giải đáp.

Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Ảnh: Hồng Thắm.

Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Ảnh: Hồng Thắm.

Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 18.000 con lợn, trong đó dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sơn La...

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, nguy cơ bệnh ASF tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì đặc điểm của virus ASF rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Theo ông Minh: “Bộ NN-PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vacxin ASF trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn”.

Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cho rằng, trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vacxin kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng. Nếu thực hiện được hai việc này việc phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất và chi phí cũng thấp nhất.

Cũng theo ông Hạnh, vacxin ASF đã được chính thức cho phép sử dụng trên diện rộng. Tuy nhiên, thời gian triển khai tiêm phòng vừa qua cho thấy còn nhiều khó khăn bởi đây là vacxin mới nên người dân chưa hiểu hết, còn e dè.

Ông Hạnh kiến nghị xây dựng cơ chế tiêm phòng vacxin bắt buộc từ Trung ương đến địa phương, cùng chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu để người dân hiểu và quen về vacxin ASF.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám Sở NN-PTNT Lạng Sơn cho hay, đối với bệnh ASF, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 76 ổ dịch tại 590 hộ ở 10 huyện, số lợn ốm, chết và buộc tiêu hủy hơn 2.300 con. Hiện còn 4 ổ dịch tại 4 xã, 2 huyện chưa qua 21 ngày.

Các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, trong đó có kế hoạch sử dụng các vacxin tiêm phòng nói chung, vacxin ASF nói riêng. Ảnh: Hồng Thắm.

Các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, trong đó có kế hoạch sử dụng các vacxin tiêm phòng nói chung, vacxin ASF nói riêng. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Thu cho rằng: “Nguyên nhân phát sinh các ổ dịch ASF trên địa bàn Lạng Sơn là do chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học, các ổ dịch cũ. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ sở giống, con giống đưa từ các tỉnh khác vào không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được. Riêng với vacxin ASF, Lạng Sơn kiến nghị các công ty phối hợp với địa phương để giám sát, chọn đối tượng cụ thể cho tiêm phòng vaccine có hiệu quả tốt hơn”.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y lưu ý: "Cục đã triển khai giám sát, phát hiện cảnh báo nhiều loại virus mầm bệnh nguy hiểm lưu hành và đã có khuyến cáo sử dụng vacxin cụ thể. Số lượng và chất lượng vacxin đã có nhưng tại sao địa phương không sử dụng, nhất là vacxin ASF, đề nghị địa phương làm rõ còn băn khoăn gì để được giải đáp".

Ông Long nói thêm: “Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá bài bản vacxin ASF, đồng thời cũng có những văn bản, tổ chức nhiều hội nghị quán triệt rõ ràng nhưng việc sử dụng vacxin ASF đến nay vẫn chưa được quan tâm”.

“Không có vacxin kêu không có vacxin, có vacxin lại không sử dụng, vậy đổ lỗi cho ai, trong khi đó dịch bệnh gia tăng rất mạnh, virus cảnh báo lưu hành rất nhiều”, ông Long nhấn mạnh.

Thời gian tới, ông Long đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, trong đó có kế hoạch sử dụng các vacxin tiêm phòng nói chung, vacxin ASF nói riêng. Về phía doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, công bố đầy đủ những kết quả sử dụng vacxin ASF để các địa phương cũng như người dân hiểu được trong quá trình đánh giá, nghiên cứu, sử dụng thực tế chứng minh hiệu quả thế nào.

Theo báo cáo của Cục Thú y, số lượng vacxin ASF cung ứng, sử dụng vacxin diện mở rộng sau khi Bộ NN-PTNT có Công văn số 4780/BNN-TY ngày 24/7/2023 là gần 375.000 liều. Số lượng vacxin ASF xuất khẩu là 300.000 liều. Số lượng vacxin ASF đã và đang bảo quản tại kho của các công ty là trên 2 triệu liều.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.