Xã Phú Đình (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) là địa phương miền núi, có hơn 3.000ha đất tự nhiên. Toàn xã có trên 1.500 hộ dân là bà con dân tộc Tày, Sán Chay, Dao đỏ và Kinh chung sống đoàn kết và chung tay xây dựng NTM trên địa bàn.
Khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có
Theo ông Trần Trung Kết, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đình, trong 9 năm kháng chiến chống pháp, Phú Đình là một trong các An toàn khu (ATK) của Việt Bắc. Các dấu tích xưa, vẫn luôn được Nhà nước quan tâm củng cố và nâng cấp, được xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, thưởng ngoạn mỗi năm.
Phú Đình cũng là xã nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Địa hình xã có núi cao, đồi rộng, suối nước sâu, rừng tự nhiên giàu, thuận lợi cho đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Cùng với các lợi thế kể trên, cộng đồng dân cư của xã gồm nhiều dân tộc, thuận lợi cho phát huy và khai thác các giá trị bản sắc văn hóa, giúp Phú Đình có được nhiều nguồn lực kinh tế đa dạng, góp phần xây dựng đạt chuẩn NTM năm 2019. Theo kế hoạch, Phú Đình phấn đấu được UBND tỉnh công nhận là xã NTM nâng cao vào cuối năm 2023. Tại thời điểm, có 14 tiêu chí đã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Dẫn chứng về việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại chỗ, ông Ma Tuấn Xem, Chủ tịch Hội Nông dân Phú Đình thông tin, xã đã thành lập và vận hành hiệu quả 5 HTX, 1 tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ. Trong đó có 2 HTX Nông nghiệp (Phú Thịnh và Bình Minh) chuyên chè được công nhận chuẩn VietGAP, có hợp đồng bao tiêu gắn với chuỗi giá trị. Sản phẩm Tâm tâm trà của HTX Bình Minh đã được công nhận OCOP 3 sao. Hiện tổ hợp tác chè An Phú đang đề nghị công nhận VietGAP.
Cạnh đó còn có HTX Dương Hồng, chuyên chế biến thịt hun khói và khau nhục; HTX ATK chuyên dịch vụ du lịch cộng đồng tại An toàn khu Định Hóa, kèm theo dịch vụ khác như hát then, múa tắc sình...; HTX Phú Hương khai thác và chế biến dược liệu (xạ đen, chít lửa, gối hạt, thìa canh rừng, tầm gửi rừng các loại...) từ rừng đặc dụng của địa phương.
Nhiều năm nay, xã Phú Đình đã lắp đặt wifi phủ sóng miễn phí tại các nhà văn hóa xóm, khu du lịch và các điểm di tích lịch sử. Giúp ngày càng thu hút nhiều du khách tới thăm, tăng cường nguồn thu từ cung ứng các dịch vụ du lịch, tăng tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trên địa bàn, tăng nguồn lực cho xây dựng NTM.
Tranh thủ kịp thời sự ủng hộ ở trong nước và quốc tế
Khảo sát thực tế tại Phú Đình cho thấy nhận thức về xây dựng NTM của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ nét. Cơ sở hạ tầng nông thôn đang dần hoàn thiện, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Sản xuất đã phát triển theo hướng hàng hóa, giá trị gia tăng cao. Nhờ đó, đời sống của nhân dân được nâng cao. An ninh chính trị và trật tự xã hội luôn đảm bảo, ngày càng được củng cố. Diện mạo làng quê đang khởi sắc từng ngày.
Một vài điểm nhấn nổi bật ở đây là, 100% (gần 11km) đường trục xóm, liên xóm đã bê tông hóa; 97% diện tích trồng chè, gieo cấy lúa được tưới tiêu chủ động; gần 90% số người trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo; thu nhập bình quân/người/năm 2022 đạt 47 triệu đồng, chỉ tiêu này tới cuối năm 2023 là 51 triệu đồng.
Nói về khả năng hoàn thành chỉ tiêu trên, ông Ma Doãn Thành, Phó Chủ tịch UBND Phú Đình khẳng định tính khả thi, bởi toàn xã có gần 4.000 người trong độ tuổi lao động, chỉ 1.700 người làm nghề nông, gần 3.000 người làm tại các khu công nghiệp trong tỉnh hoặc đi lao động xuất khẩu, còn lại khoảng 600 người tham gia làm dịch vụ xây dựng và giúp việc gia đình thành phố.
Có được những kết quả trên là nhờ trong quá trình xây dựng NTM, Đảng ủy và chính quyền Phú Đình tranh thủ kịp thời sự ủng hộ của cấp trên, cả về chuyên môn nghiệp vụ và đường lối, chính sách. Đặc biệt còn tranh thủ được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Điển hình là Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc.
Ông Vũ Thanh Long, trưởng xóm Phú Ninh cho biết, trong vài năm gần đây, xóm được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư cho hầu hết các cơ sở hạ tầng văn hóa, xã hội và phát triển sản xuất, như hỗ trợ làm nhà văn hóa xóm giống như bên Hàn Quốc; hỗ trợ xây dựng hệ thống điện lưới xóm, dẫn tới từng nhà dân; bê tông hóa mạng lưới đường giao thông xóm, ngõ xóm và 3,5km giao thông nội đồng chè, tạo thuận lợi cho người dân đi lại chăm sóc và thu hái chè.
Cùng với đó, Hàn Quốc còn hỗ trợ hệ thống tưới nước tự động trên các đồi chè, cùng nhiều loại máy chế biến chè ở quy mô nông hộ, giúp tăng năng suất chế biến, tăng chất lượng chè, giảm công lao động, nhất là các công lao động vất vả. Ngoài ra, còn cấp cho mỗi hộ trong xóm 1 thùng chứa, phân loại rác tại nguồn, góp phần cùng cả nước đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh thái.
Dự kiến tới hết năm, Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ xóm Phú Ninh xây dựng xưởng chế biến chè sạch tập trung và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xuất khẩu. Nhờ đó, năm 2021, xóm Phú Ninh đã cán đích thôn NTM nâng cao, hiện nay đang đề nghị được công nhận thôn NTM kiểu mẫu.
Đạt được nhiều thành tựu ấn tượng như trên, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã vẫn thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, thu nhập từ dịch vụ du lịch cộng đồng còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao (143/1.572 hộ), công tác quảng bá đặc sản chè Phú Đình còn hạn chế. Vì so với các vựa chè có tiếng cùng tỉnh, như Trại Cài (Đồng Hỷ), La Bằng (Đại Từ), Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), chất lượng chè của Phú Đình không thua kém...
“Để khắc phục các hạn chế, tồn tại vừa nêu, thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan, phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn cấp trên, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường quảng bá hình ảnh đặc sản chè Phú Đình và quần thể di tích lịch sử cách mạng trên các phương tiện truyền thông nhà nước, cổng thông tin điện tử của UBND xã và mạng xã hội. Đồng thời làm tốt hơn nữa dịch vụ du lịch cộng đồng, hướng tới mỗi người dân Phú Đình là một hạt nhân truyền thông, lan tỏa sản phẩm và hình ảnh làng quê. Phấn đấu cán đích xã NTM nâng cao đúng kế hoạch năm 2023, đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trước năm 2030”, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình nhấn mạnh.