| Hotline: 0983.970.780

Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Thứ Sáu 29/09/2023 , 12:10 (GMT+7)

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Nếu như ở Việt Nam, Tết Trung thu chỉ là ngày lễ dành cho thiếu nhi, mọi người vẫn phải đi học đi làm như mọi ngày thì ở Hàn Quốc đây được xem là dịp nghỉ lễ dài chính thức trong năm.

Áp lực và căng thẳng

Lễ hội Rằm tháng 8 ở Hàn Quốc được gọi là Chuseok, các gia đình thường trở về quê hương, nơi ông bà bố mẹ sinh ra để thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên. Họ chuẩn bị những mâm cơm cầu kỳ đi thăm viếng, dọn dẹp khu mộ tổ tiên rồi cả gia đình cùng quây quần bên nhau tận hưởng phút giây sum vầy và đương nhiên phần lớn những công đoạn của lễ hội này đều dựa vào bàn tay của những người phụ nữ trong gia đình.

Đối với nhiều phụ nữ đã kết hôn ở Hàn Quốc lễ Chuseok từ lâu đã trở thành cơn ác mộng. Bởi lẽ họ không được nghỉ ngơi vào ngày lễ, thậm chí còn mệt mỏi bận rộn hơn vì phải dành toàn bộ kỳ nghỉ không chỉ để nấu nướng và dọn dẹp trong dịp lễ mà phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt khi chuẩn bị thức ăn cho nghi lễ tổ tiên. Tất cả các món ăn từ thịt cá và các loại bánh xèo phải trông đẹp mắt và trang nhã để bày tỏ lòng tôn kính đối với người đã khuất.

Phụ nữ Hàn Quốc trong gia đình phải chuẩn bị mâm cúng nhiều món cầu kỳ trong dịp Chuseok. Ảnh: Namwon030.

Phụ nữ Hàn Quốc trong gia đình phải chuẩn bị mâm cúng nhiều món cầu kỳ trong dịp Chuseok. Ảnh: Namwon030.

Trong thời buổi lạm phát họ còn kiêm luôn vai trò thủ quỹ tính toán chi li từng khoản một. Bà Park Kyung Wha (người dân Seoul) cho biết: “Phải chi cho dịp lễ tốn kém này, năm nay rau củ quả rất là đắt nên tôi cảm thấy rất lo lắng khi đi mua sắm thực phẩm, chưa kể còn tính toán mua các món quà tặng cho họ hàng. Mọi năm tôi tặng họ giỏ hoa quả nhưng năm nay chắc sẽ phải chọn các món tiết kiệm hơn”.

“Phụ nữ lấy chồng và làm dâu phải làm quá nhiều công việc vất vả, trong khi phụ nữ bận rộn ở bếp thì đàn ông trong nhà chỉ ngồi ở phòng khách và xem tivi”, chị Jang Saera (36 tuổi, giám đốc phát triển sản phẩm của một công ty thiết kế nội thất), chia sẻ.

Ở Hàn quốc vẫn tồn tại quy định khi kết hôn người phụ nữ thuộc về gia đình nhà chồng, vì vậy các bà vợ phải đón lễ Chuseok với gia đình chồng, áp lực trong lễ hội truyền thống này khiến nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc đã phải tìm tới các giải pháp khá tiêu cực.

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu

Một số phụ nữ Hàn quốc thậm chí còn tìm đến cách giả bệnh hoặc giả bị chấn thương để tránh phải làm việc nhà. Các cửa hàng online thống kê lượng đặt hàng chân tay bó bột giả tăng tới 3 lần trong dịp lễ này. Cách đây vài năm một người phụ nữ ở độ tuổi 30 đã bị bắt vì tấn công mẹ chồng sau khi bị mẹ chồng mắng vì kỹ năng nấu ăn kém trong lễ Chuseok còn các ông chồng thì không sao.

Nếu xem nhiều bộ phim Hàn Quốc có thể thấy khá nhiều trường hợp của người đàn ông trong gia đình thờ ơ và không hề có ý định giúp vợ công việc nhà. Trong kỳ lễ Chuseok và ngay cả khi muốn giúp đỡ anh ta vẫn có thể bị mẹ và các dì ngăn cản.

Nhiều người con dâu áp lực phải nấu nướng, dọn dẹp chu toàn ở nhà chồng trong dịp nghỉ lễ. Ảnh minh họa: Tagstory.

Nhiều người con dâu áp lực phải nấu nướng, dọn dẹp chu toàn ở nhà chồng trong dịp nghỉ lễ. Ảnh minh họa: Tagstory.

Chịu căng thẳng, áp lực trong thời gian dài, nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn ly hôn như một cách giải thoát. Sau các dịp lễ lớn ở xứ củ sâm như Trung thu hay Tết Nguyên đán, số vụ ly hôn giữa các cặp vợ chồng được ghi nhận tăng mạnh.

Ví dụ, từ năm 2014 đến 2017, tỷ lệ số vụ ly hôn là 14,7%, 39,5%, 28% và 13,9% vào tháng 3 của các năm đó, một tháng sau khoảng thời gian đón Tết Nguyên đán, theo South China Morning Post.

Theo cuộc thăm dò từ trang web việc làm Career, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là mâu thuẫn với bố mẹ chồng/bố mẹ vợ (21,8%), cảm giác đối xử không công bằng với gia đình của nhau (16,9%) và mệt mỏi khi phải sắp xếp các chuyến đi đến gia đình hai bên (15,8%). Mặt khác, ngày càng nhiều người bắt đầu nói “không” với việc tất bật chuẩn bị cỗ bàn dịp lễ và tìm đến các lựa chọn giúp khoảng thời gian này trở nên dễ thở, đơn giản hơn.

Tuy nhiên, trong tương lai xu thế xã hội có thể sẽ khác đi, do tỷ lệ sinh giảm và phụ nữ càng ngày càng có tiếng nói trong gia đình. Một nghiên cứu gần đây của công ty mai mối tiết lộ rằng 78% trong số 142 cặp vợ chồng được khảo sát sẽ không về thăm cha mẹ vào dịp lễ Chuseok này.

Và 1/3 số người được hỏi cũng cho biết cha mẹ họ không gây áp lực, buộc họ phải đến thăm và một phần khác nói rằng họ sẽ đi du lịch. Có lẽ xu thế trong vài năm tới sẽ là một kỳ lễ Chuseok đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và thông qua đó giảm bớt gánh nặng trên vai người phụ nữ.

Xem thêm
Cuộc hôn nhân nằm ngoài mọi sự tính toán thiệt hơn

Cuộc hôn nhân nào cũng có những thử thách và những đắn đo, nhưng khi hai tâm hồn tìm thấy sự đồng điệu thì hạnh phúc thực sự hiện diện.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?