| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 20/10/2010 , 10:15 (GMT+7)

10:15 - 20/10/2010

Phụ nữ với hạt lúa, hạt gạo

Nước ta là nước nông nghiệp, gần 70% là nông dân. Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc trước đây, trai tráng ra trận ruộng đồng do tay các mẹ các chị đảm đang.

Ngày nay trong thời kỳ mở cửa xây dựng đất nước, trai tráng lại ra đi làm ăn, một lần nữa để lại ruộng đồng chủ yếu do các mẹ các chị chăm lo. Chính vì thế, từ trong sâu thẳm cội nguồn của nền văn minh lúa nước, nền văn hóa nước nhà, trong ca dao, tục ngữ, hát ru... hình ảnh người mẹ người vợ tần tảo chịu thương chịu khó luôn gắn liền với hạt lúa hạt gạo.

Nhiều năm qua chúng ta thường nhắc đi nhắc lại một nghịch lý: Nước ta đồng đất phì nhiêu, nông dân chăm chỉ, cần cù nhưng vẫn nghèo đói, lạc hậu, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng dãn ra. Gần đây, để giải thích bất hợp lý nghịch lý trên một số chuyên gia cho rằng: Thứ nhất, trong khi điều kiện vật chất để một gia đình nông dân nuôi con ăn học tử tế hết sức khó khăn thì nhiều người có trình độ, có xuất thân từ nông thôn, học xong lại bám trụ thành thị. Rốt cuộc là chất lượng lao động, chất lượng trí tuệ ở nông thôn vẫn rất thấp, không thể có hiệu quả lao động cao được.

Thứ hai, nông dân đã nghèo lại phải đóng góp rất nhiều. Hàng năm có tới mấy chục khoản đóng góp trên đầu người. Rồi còn phải góp ngày công lao động công ích để tu bổ đê điều...

Thứ ba, về chính sách xã hội thì nông dân được hưởng rất ít. Thành phố được bao cấp đến vỉa hè, điện, nước, đường giao thông, hưởng thụ văn hóa, sức khỏe, môi trường... trong khi ở nhiều nơi, mức hưởng thụ của nông dân là không đáng kể.

Thứ tư, tuy nông nghiệp chỉ tạo ra hơn 20% GDP nhưng nó là ngành nuôi sống xã hội. Trên 70% lao động là ở nông thôn. Nông dân có vị trí đặc biệt trong giữ gìn an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh chính trị cho đất nước. Vậy mà mức đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 20% ngân sách. Đây là điểm bất hợp lý và không công bằng.

Để khắc phục nghịch lý trên Đảng, Chính phủ đã có Nghị quyết và chương trình về Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn

Năm ngoái, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I đã khai mạc bên dòng kênh xáng Xà No, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Qua Festival, người nông dân Việt Nam, hạt gạo Việt Nam, nước đưng thứ 5 về trồng lúa và đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, được tôn vinh, được cả thế giới biết đến. Thế nhưng, người làm ra hạt lúa hạt gạo nước ta vẫn chưa được trả công thích đáng!

 Chính phủ vừa có chủ trương bảo hiểm giá lúa cho nông dân. Nhưng theo các chuyên gia, giá lúa do Hiệp hội lương thực đưa ra còn xa với thực tế. Tỷ như giá lúa gạo vẫn còn bỏ qua không tính đến công quả lý của người trồng lúa. Cũng có thể nói chủ yếu là công của các mẹ các chị!

Theo như Tổng thư ký Liên hiệp Quốc Ban Ki Moon: “Chừng nào nữ giới chưa được giải phóng khỏi nghèo đói và bất công thì toàn bộ mục tiêu của chúng ta - hòa bình, an ninh, phát triển bềnh vững - vẫn còn đứng trước hiểm họa”.

Nông dân bao giờ cũng là đội quân chủ lực của cách mạng, tôn vinh nông dân là ra lúa gạo nuôi sống xã hội và đã nhiều lần đưa đất nước thoát khỏi các thời kỳ khủng hoảng suy thoái cũng chính là tôn vinh phụ nữ. Tăng giá trị hạt gạo cũng góp phần giải phóng phụ nữ ra khỏi nghèo đói, bất bình đẳng. Đó là đòi hỏi chính đáng, phụ nữ phải được tôn vinh xứng đáng về tinh thần và xứng đáng về vật chất. Có như vậy mới là đạo lý.