| Hotline: 0983.970.780

Phụ phẩm vô biên, thành tiền còn ít

Thứ Tư 28/09/2022 , 12:47 (GMT+7)

Phụ phẩm nông nghiệp rất dồi dào, nếu được quan tâm tái sử dụng hiệu quả, đúng mục đích sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Hội thảo quốc tế 'Phụ phẩm nông nghiệp - Nguồn tài nguyên tái tạo' tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hội thảo quốc tế “Phụ phẩm nông nghiệp - Nguồn tài nguyên tái tạo” tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chưa tận dụng hết nguồn tài nguyên từ chất thải hữu cơ

Sáng 28/9, Bộ NN-PTNT phối hợp dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái công bằng tại Việt Nam” tổ chức Hội thảo quốc tế “Phụ phẩm nông nghiệp - Nguồn tài nguyên tái tạo”, do Liên minh châu Âu tài trợ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, so với các nước trong khu vực, mặc dù có sự suy giảm qua các giai đoạn theo xu thế chung, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam tương đối bền vững, ổn định. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục, trên 48,6 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%; và phấn đấu đạt khoảng 55 tỷ USD trong năm 2022.

Tuy nhiên, bà Thủy nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp cũng gây phát sinh lớn phụ phẩm, khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ.

“Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta chỉ chú trọng đến tăng năng suất, chưa quan tâm đến lượng dư thừa, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học. Nhiều cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ gây lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường.

Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả và đúng mục đích, mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp", bà Thủy nói.

Tham dự gồm có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tham dự gồm có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

156,8 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp bỏ phí

TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong lĩnh vực chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 5 - 6 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung với khối lượng nguồn thải ra môi trường khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...) còn lại 80% thải ra môi trường.

Ở lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.

Về khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo.

TS Nguyễn Hữu Ninh nhìn nhận, vấn đề tồn tại hiện nay là chi phí để xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn lớn so với thu nhập của nông dân, dẫn tới thực trạng mất đi lượng hữu cơ và dinh dưỡng cây trồng khổng lồ, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, còn đất trồng ngày càng bị thiếu hụt hữu cơ, thoái hoá trầm trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cũng theo TS Ninh, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn bao gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản.

"Hàng năm phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43,4 triệu tấn hữu cơ; 1,86 triệu tấn đạm urê, 1,68 triệu tấn supe lân đơn và 2,23 triệu tấn kali sulfat.

Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng", TS Nguyễn Hữu Ninh nói.

Ngoài các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, những mặt hàng hoa quả kém chất lượng không bán được, người dân không biết làm cách nào để xử lý, vô hình biến nó thành loại rác thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m3 gỗ tròn, thải ra 3,4 triệu tấn vỏ, cành, lá và quá trình chế biến tạo ra 2,4 triệu tấn mùn cưa. Các phụ phẩm này được dùng ép viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ...

"Đây được đánh giá là sự lãng phí, trong khi nền nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về phân bón. Do đó, cần có một lộ trình thực hiện cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và cao hơn là nông nghiệp tuần hoàn không chất thải", TS Ninh nói.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi và giết mổ còn gặp nhiều khó khăn do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều trang trại chăn nuôi lớn vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải phù hợp...

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Biến rác thải thành hoa

Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Hà Lan là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 thế giới với diện tích nông nghiệp chỉ khoảng 2 triệu ha. Nhưng Hà Lan hiện là nước tiên phong phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nhờ tỷ lệ thay thế phân hóa học bằng phân hữu cơ đạt rất cao. 

Trong khi đó, Việt Nam có khối lượng lớn các phụ phẩm nông nghiệp nhưng tỷ lệ sử dụng để tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường thấp. Nhiều dự án, chương trình liên quan đến sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đã được thực hiện với nhiều mô hình thành công nhưng việc ứng dụng trên diện rộng chậm, hiệu quả thấp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT gợi mở 6 góc nhìn để phát triển áp dụng diện rộng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, "biến rác thải thành hoa". Cụ thể: Chuyển đổi chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị tuần hoàn; Nâng cao vị thế của nông dân tốt hơn, xứng đáng hơn trong các ý tưởng mới về nông nghiệp; Chú trọng thực hiện nông nghiệp tuần hoàn ngay tại hộ nông dân, trang trại nhỏ, hợp tác xã (kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản); Tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp vô hình bằng hệ thống sản xuất tuần hoàn có thể áp dụng cho một hệ sinh thái; Nhân rộng mô hình hay, khuyến khích các mô hình mới ứng dụng công nghệ & đổi mới sáng tạo; Đối với doanh nghiệp và trang trại, chính sách cần nhất là được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng, kịp thời và có quỹ đất phù hợp để đầu tư lâu dài.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.