| Hotline: 0983.970.780

Phú Thọ dẹp loạn vi phạm đê điều

Chủ Nhật 17/12/2023 , 18:21 (GMT+7)

Tỉnh Phú Thọ liên tiếp ban hành các quyết định xử phạt và các giải pháp nỗ lực xóa bỏ tình trạng vi phạm đê điều nhức nhối bấy lâu nay.

Điểm đen vi phạm đê điều ở phường Bến Gót. Ảnh: Hoàng Anh.

Điểm đen vi phạm đê điều ở phường Bến Gót. Ảnh: Hoàng Anh.

Xóa “điểm đen” Bến Gót

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, khu vực bãi nổi ven sông Lô thuộc phường Bến Gót (thành phố Việt Trì) trước đây là khu vực bến bãi được chính quyền cho các doanh nghiệp thuê đê kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng… Suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp thuê đất đã bất chấp các quy định của pháp luật còn chính quyền có dấu hiệu buông lỏng quản lý, dẫn đến Bến Gót trở thành điểm nóng về tình trạng vi phạm các lĩnh vực đất đai, đê điều, xây dựng…

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Gót, trước năm 2020 khu vực bãi nổi có 4 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, sản xuất nông nghiệp, lập dự án nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái… Đó là Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Bắc, Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Hoành Dung, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Phát, Doanh nghiệp tư nhân Bình Sơn.

Quá trình hoạt động cả 4 doanh nghiệp nêu trên đều để xảy ra các vi phạm pháp luật về đất đai, đê điều, đầu tư xây dựng, môi trường… Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo giải quyết, tuy nhiên thực trạng nhức nhối ở Bến Gót vẫn kéo dài trong nhiều năm.

Tình trạng vi phạm đê điều ở Bến Gót kéo dài trong nhiều năm. Ảnh: Hoàng Anh.

Tình trạng vi phạm đê điều ở Bến Gót kéo dài trong nhiều năm. Ảnh: Hoàng Anh.

Cụ thể, năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, đê điều của các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực bãi nổi, phường Bến Gót để xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Mặc dù vậy, thực trạng các doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm ở phường Bến Gót vẫn kéo dài trong nhiều năm. UBND thành phố Việt Trì cho rằng, nguyên nhân để xảy ra các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có việc các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước theo lĩnh vực và địa bàn chưa làm hết chức năng của mình.  

Song song với đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt hành chính đối với các vi phạm nêu trên, UBND thành phố Việt Trì kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo cơ quan chuyên môn đê điều thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động bến bãi trong khu vực bảo vệ hành lang đê điều, hành lang thoát lũ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm phát sinh.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ thông tin: Đầu tháng 11/2023, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý, khắc phục tình trạng cảng, bến thủy nội địa hàng hóa hoạt động chưa tuân thủ các quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh. Quan điểm của tỉnh Phú Thọ là dừng hoạt động của các doanh nghiệp trong phạm vi đê điều, hành lang thoát lũ ở phường Bến Gót.

Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ cũng vừa ban hành kết luận về việc rà soát tổng thể thực trạng hoạt động, công tác quản lý bến bãi đường thủy trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở rà soát, đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với các bến thủy nội địa hoạt động chưa tuân thủ quy định pháp luật, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng.

Trước đó, cơ quan chức năng từng xử phạt Công ty Bình Sơn 10 triệu đồng, Công ty Hoành Dung 10 triệu đồng, Công ty Trường Phát 16 triệu đồng... Năm 2021, UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt 110 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Bắc do để vật liệu xây dựng ở bãi sông với khối lượng trên 200 m3. Xử phạt 55 triệu đồng đối với ông Điêu Quý Lâm, người thuê lại mặt bằng của Công ty Hoành Dung và để vật liệu xây dựng khu vực bãi sông với khối lượng trên 200 m3. Phạt Doanh nghiệp Bình Sơn số tiền 250 triệu đồng do để vật liệu khu vực bãi sông và xây dựng công trình gia cố nền bãi, cầu cân...

Vi phạm của Công ty Cổ phần Thượng Long. Ảnh: Hoàng Anh.

Vi phạm của Công ty Cổ phần Thượng Long. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngoài ra UBND thành phố Việt Trì cũng đã xử phạt Công ty TNHH Hằng Hải Đăng số tiền 50 triệu đồng do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Năm 2022, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II xử phạt Công ty TNHH Thường Xuyên số tiền 70 triệu đồng do hành vi khai thác bến thủy nội địa trong thời gian bến hết thời hạn hoạt động.

Tháng 8/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Thượng Long (địa chỉ tại xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Quá trình xây dựng bến bãi để kinh doanh khoáng sản, vật liệu xây dựng, doanh nghiệp đã bị xử phạt 3 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, phòng chống thiên tai và bảo vệ đê điều với tổng số tiền phạt là 320 triệu đồng. Ngoài ra doanh nghiệp này còn phải nộp lại số tiền lợi nhuận bất hợp pháp hơn 465 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền Công ty Cổ phần Thượng Long phải nộp phạt là hơn 785 triệu đồng.

Kiên quyết dẹp loạn tình trạng vi phạm đê điều

Qua rà soát, đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 97 bến hàng hóa ở trên 5 tuyến sông (sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy và sông Bứa). Trong đó có 81/97 bến đang hoạt động, 16/97 bến không hoạt động. Trong số 81 bến hoạt động có 11/81 bến không phép; 34/81 bến hết thời hạn hoạt động theo quy định; 36/97 bến còn thời hạn và đủ điều kiện hoạt động theo quy định.

Đối với “điểm đen” ở phường Bến Gót, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì khẳng định: Thành phố sẽ tiếp tục giám sát, giao các phòng chuyên môn liên tục kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc lập biên bản và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt.

Kiên quyết dẹp loạn vi phạm đê điều ở Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Kiên quyết dẹp loạn vi phạm đê điều ở Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngoài ra, để đảm bảo kỷ cương, thành phố Việt Trì cũng kiến nghị thu hồi đăng ký kinh doanh, chủ trương đầu tư, giấy phép hoạt động bến bãi đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, tiếp diễn vi phạm, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan. Tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải tỏa bến thủy nội địa theo quy định đối với các bến thủy nội địa đang hoạt động nhưng chưa được công bố, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Cưỡng chế dừng hoạt động bến thủy nội địa theo quy định đối với các bến thủy nội địa đang hoạt động nhưng giấy phép hoạt động hết hạn, đôn đốc các chủ bến nếu có nhu cầu tiếp tục hoạt động phải thực hiện thủ tục công bố lại, gia hạn hoạt động bến theo quy định.

Tại Kỳ họp thứ Sáu, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX, vấn đề các bến, bãi bốc xếp hàng hóa vi phạm về các lĩnh vực đất đai, đê điều, hành lang thoát lũ trở thành chủ đề nóng. Theo báo cáo tại kỳ họp, một số điểm nóng của vấn nạn này gồm huyện Đoan Hùng có 27 bến, bãi không phép trên địa bàn. Thành phố Việt Trì có nhiều bến bãi vi phạm và xử lý nhiều lần nhưng chưa dứt điểm... Kết luận nội dung này, ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ chỉ đạo: Không cấp phép cho các bến, bãi không đủ điều kiện và xử lý tất cả các bến bãi hiện còn tồn tại vi phạm.

Từ chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý, khắc phục tình trạng cảng, bến thủy nội địa hoạt động chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Yêu cầu các cơ qua liên quan kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất