| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối nạn hoạt động bến bãi, vi phạm đê điều ở Phú Thọ

Thứ Năm 24/08/2023 , 06:49 (GMT+7)

Vi phạm đất đai, đê điều, xây dựng ở Phú Thọ đang trở thành vấn đề nhức nhối chưa biết khi nào mới xử lý triệt để.

Vấn nạn bến bãi vi phạm đất đai, đê điều gây nhức nhối nhiều năm ở Phú Thọ nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Bảo Khang. 

Vấn nạn bến bãi vi phạm đất đai, đê điều gây nhức nhối nhiều năm ở Phú Thọ nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Bảo Khang. 

Theo thống kê của UBND thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố có 30 bến thủy nội địa và bãi bốc xếp hàng hóa, trong đó có 3 bến bãi do cá nhân làm chủ, còn lại đứng tên các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã.

Tháng 8 năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, UBND thành phố Việt Trì đã kiểm tra và báo cáo chỉ có 7 bến thủy nội địa còn hạn cấp phép còn lại 9 bến hết hạn cấp phép, 3 bến không có phép nhưng tất cả vẫn đang còn hoạt động.

Điều đáng nói là rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân ở Phú Thọ có hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng, đặc biệt là vi phạm về hành lang bảo vệ đê điều... trong suốt thời gian dài, tuy nhiên các biện pháp xử lý dường như vẫn còn theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Thậm chí nhiều bến bãi còn tổ chức đóng tàu, lắp dựng trạm trộn bê tông, mố cầu cảng, xây dựng nhà điều hành, nhà xưởng... ngay trong hành lang bảo vệ đê điều, khu vực bãi sông.

Các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vận tải có dấu hiệu bất chấp quy định của pháp luật. Ảnh: Bảo Khang.

Các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vận tải có dấu hiệu bất chấp quy định của pháp luật. Ảnh: Bảo Khang.

Điển hình tại khu vực bãi nổi ven sông thuộc phường Bến Gót, nơi Báo Nông nghiệp Việt Nam từng phản ánh về các vi phạm của Công ty cổ phần thương mại và vận tải Hoành Dung, Công ty TNHH thương mại và vận tải Trường Phát, Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc, Doanh nghiệp tư nhân Bình Sơn... 

Từ năm 2016 đến nay, mặc dù Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần chỉ đạo xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều đối với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, mặc dù vậy tình trạng vi phạm vẫn liên tục tái diễn.

Cụ thể, cơ quan chức năng từng xử phạt Công ty Bình Sơn 10 triệu đồng, Công ty Hoành Dung 10 triệu đồng, Công ty Trường Phát 16 triệu đồng... Đến hết tháng 7/2018, các công ty trên đã hết hạn hợp đồng thuê đất và giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, tuy nhiên đầu năm 2019 vẫn tiếp tục hoạt động hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác thuê mặt bằng để hoạt động. Thanh tra tỉnh Phú Thọ vào cuộc và kết luận một loạt sai phạm về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường...

Và cũng giống như nhiều lần trước đó, các hoạt động bến bãi chỉ tạm dừng lại một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp tục hoạt động. Năm 2021, UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt 110 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc do để vật liệu xây dựng ở bãi sông với khối lượng trên 200 m3. Xử phạt 55 triệu đồng đối với ông Điêu Quý Lâm, người thuê lại mặt bằng của Công ty Hoành Dung và để vật liệu xây dựng khu vực bãi sông với khối lượng trên 200 m3. Phạt Doanh nghiệp tư nhân Bình Sơn số tiền 250 triệu đồng do để vật liệu khu vực bãi sông và xây dựng công trình gia cố nền bãi, cầu cân...

Ngoài ra UBND thành phố Việt Trì cũng đã xử phạt Công ty TNHH Hằng Hải Đăng số tiền 50 triệu đồng do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Năm 2022, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II xử phạt Công ty TNHH Thường Xuyên số tiền 70 triệu đồng do hành vi khai thác bến thủy nội địa trong thời gian bến hết thời hạn hoạt động.

Văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Bảo Khang.

Văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Bảo Khang.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục giao cho UBND thành phố Việt Trì kiểm tra, rà soát và xử lý. Mới đây nhất, tại văn bản báo cáo do ông Phạm Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì ký đã lý giải: Nguyên nhân xảy ra các vi phạm bến bãi tràn lan trên địa bàn thành phố trong thời gian qua là do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vận tải đường thủy các loại vật liệu xây dựng cát, sỏi, đá trên địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ xuôi về các tỉnh đồng bằng để phục vụ xây dựng và xuất khẩu là rất lớn, nhu cầu xây dựng bến bãi ở Phú Thọ rất nhiều. Trong khi đó thủ tục để một bến thủy nội địa, bãi bốc xếp hàng hóa đi vào hoạt động hợp pháp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực... Mỗi ngành lại có một thủ tục khác nhau nên mất rất nhiều thời gian để một bến, bãi bốc xếp hàng hóa được hoạt động đầy đủ đúng theo quy định của pháp luật.

Nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành đầy đủ các quy định và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Một số ngành, địa phương chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, như: Chưa hướng dẫn đầy đủ thủ tục cho doanh nghiệp, chưa kiểm tra ngăn chặn và xử lý ngay từ khi vi phạm mới phát sinh, các vi phạm tồn tại từ trước chưa được xử lý dứt điểm.

Vi phạm ở phường Bến Gót, thành phố Việt Trì. Ảnh: Bảo Khang.

Vi phạm ở phường Bến Gót, thành phố Việt Trì. Ảnh: Bảo Khang.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Xuân Hiệp cho rằng UBND thành phố Việt Trì sẽ tiếp tục giám sát, giao các phòng chuyên môn liên tục kiểm tra. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc lập biên bản và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt.

Thành phố Việt Trì cũng kiến nghị thu hồi đăng ký kinh doanh, chủ trương đầu tư, giấy phép hoạt động bến bãi đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, tiếp diễn vi phạm, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan.

Tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải tỏa bến thủy nội địa theo quy định đối với các bến thủy nội địa đang hoạt động nhưng chưa được công bố, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa.

Tổ chức thực hiện cưỡng chế dừng hoạt động bến thủy nội địa theo quy định đối với các bến thủy nội địa đang hoạt động nhưng giấy phép hoạt động hết hạn chưa được công bố lại hoạt động bến thủy nội địa, đồng thời đôn đốc các chủ bến nếu có nhu cầu tiếp tục hoạt động phải thực hiện thủ tục công bố lại, gia hạn hoạt động bến theo quy định.

Bí thư Phú Thọ chỉ đạo xử lý tất cả bến bãi vi phạm

Tại Kỳ họp thứ Sáu, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX vấn đề các bến, bãi bốc xếp hàng hóa vi phạm về các lĩnh vực đất đai, đê điều, hành lang thoát lũ trở thành chủ đề nóng.

Theo báo cáo tại kỳ họp, một số điểm nóng của vấn nạn này gồm huyện Đoan Hùng có 27 bến, bãi không phép trên địa bàn. Thành phố Việt Trì có nhiều bến bãi vi phạm và xử lý nhiều lần nhưng chưa dứt điểm... Kết luận nội dung này, ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ chỉ đạo: Không cấp phép cho các bến, bãi không đủ điều kiện và xử lý tất cả các bến bãi hiện còn tồn tại vi phạm.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.