Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên và hệ thống đo mưa tự động, từ 19 giờ ngày 12/11 đến 9 giờ ngày 13/11 trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 50 -200mm.
Do mưa lớn nên sáng 13/11, tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An đã xảy ra sạt lở đất khiến ngôi nhà của hộ bà Đào Thị Tuyết bị sập vách tường nhà phía sau và gây rạn nứt kết cấu nhà. Bà Tuyết và anh Lê Đào Long Nhật bị đất, tường nhà sập đè vào người bị thương, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, dự báo thời gian 6-12 giờ tới khu vực tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa tích lũy phổ biến từ 50- 100mm, có nơi cao hơn. Các sông suối trong tỉnh xảy ra một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông đạt mức báo động 1-2, riêng sông Kỳ Lộ lên trên báo động 2.
Để chủ động triển khai ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các địa phương được kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó kịp thời, nhanh chóng hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, thường xuyên, liên tục theo dõi diễn biến tình hình mưa, lũ, ngập lụt và thông báo cho nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh kịp thời, hiệu quả; kiểm tra, rà soát, những khu vực thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất chủ động phương án di dời sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn khi có lũ lụt xảy ra và đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch bệnh theo quy đinh tại các khu vực sơ tán dân tập trung.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ lụt, đảm bảo an toàn hồ, đập; các đơn vị đang thi công công trình trên các sông, suối, vùng trũng thấp chủ động di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ ở những vị trí ngầm, tràn, vùng ngập sâu, nước chảy xiết để kịp thời xử lý; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước ngập lũ, vớt củi trên các sông, suối…