Khắc phục trước còn kinh phí tính sau
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai tại tỉnh Bắc Kạn đã làm chết 3 người, và 7 người bị thương; có 598 ngôi nhà đã bị sập đổ, hư hỏng; 1.676ha lúa, ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, cuốn trôi và đất nông nghiệp vùi lấp; 2.108 con trâu, bò, ngựa, dê, gia cầm và các loài vật nuôi khác bị chết; 19 công trình thủy lợi và nhiều tuyến kênh mương bị hư hỏng, vùi lấp; nhiều công trình giao thông, cầu cống, đường xá bị sạt lở, sụt lún, hư hỏng nặng...
Ước thiệt hại theo thống kê của do thiên tai gây ra khoảng 74.405 triệu đồng. Tuy nhiên tỉnh Bắc Kạn cũng mới chi được khoảng 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, còn số kinh phí cần phải thanh toán thì sẽ thực hiện sau.
Thiệt hại nặng nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị hư hại, sạt lở ta luy. Nhiều nhất là tuyến QL279 chạy qua 3 huyện của tỉnh Bắc Kạn là Na Rì, Ngân Sơn và Ba Bể thường xuyên bị ách tắc giao thông ở nhiều đoạn khác nhau do sạt lở đất. Riêng trong năm 2022, chi phí khắc phục hậu quả đã là khoảng 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Kạn lại chưa bố trí được nguồn kinh phí để thanh toán cho việc này.
Ông Nghiêm Văn Thép, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì công trình đường bộ, Sở Giao thông và vận tải tỉnh Bắc Kạn cho biết, khi xảy ra sự cố do thiên tai như sạt lở mất đường, sụt lún ta luy âm, các doanh nghiệp được giao quản lý các tuyến giao thông sẽ phải có trách nhiệm khắc phục ngay để cho người và phương tiện có thể lưu thông được. Các đơn vị phải bỏ tiền ra ứng trước, không chỉ có múc đất sạt, mà kể cả là việc xây dựng, gia cố các đoạn đường bị sụt lún, hư hỏng, sau đó sẽ hoàn thiện thủ tục xin kinh phí từ từ ngân sách của tỉnh và nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.
Ông Thép nói thêm, từ đầu năm 2022 đến nay, chúng tôi chưa thể bố trí được đồng kinh phí nào. Tính từ đầu năm đến nay, kinh phí khắc phục các điểm sạt lở do mưa lũ lên đến hơn 45 tỉ đồng trong khi phần xử lý thiệt hại do thiên tai năm ngoái vẫn chưa được thanh toán. Ngoài thiếu kinh phí, việc chủ động phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành giao thông cũng còn gặp không ít khó khăn do quy định hiện hành.
Tỉnh Bắc Kạn khó khăn về kinh phí
Từ năm 2020 và 2021, tỉnh Bắc Kạn đã phải bố trí số tiền lên đến hơn 207 tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả mưa bão. Tuy nhiên, việc dành kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình có nguy cơ mất an toàn thì đến nay cơ bản tỉnh Bắc Kạn chưa bố trí được. Với mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn, trong khi điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, việc khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Ông Hà Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn thông tin: Nguồn lực của tỉnh để khắc phục thiên tai còn hạn chế, chủ yếu là từ ngân sách nhà nước của Trung ương hỗ trợ. Trước mắt khi thiên tai xảy ra, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, vừa khắc phục thiệt hại nhà ở còn phải lo phục hồi sản xuất nông nghiệp và sửa chữa cơ sở hạ tầng khác. Trong khi đó, do đặc điểm điều kiện tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn là miền núi nên thiệt hại và mức khắc phục thường rất lớn.
Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để thực hiện nhiệm vụ khắc phục các công trình phòng, chống thiên tai thời gian vừa qua và trong thời gian tới rất khó khăn, ngân sách địa phương không đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt là việc sạt lở bờ sông, suối diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của thiên tai từ nhiều năm nay, tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, sinh kế của nhân dân, cơ sở hạ tầng của địa phương.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản đề nghị Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình kè phòng chống thiên tai. Tổng nhu cầu đề xuất là 1.600 tỷ đồng, nhằm bảo vệ lâu dài cho hạ tầng, đất nông nghiệp và các hộ dân sinh sống trên địa bàn 7 huyện.