Chuyển đổi hiệu quả
Dọc theo tuyến đường ĐT 641, đoạn qua xã An Định (huyện Tuy An) và xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), cánh đồng bắp trải dài ven đường. Ông Trần Văn Tiến, nông dân trồng bắp ở xã An Định chia sẻ: Vùng đất soi này, mỗi vụ trồng trên 20ha bắp. Trung bình 1 sào trồng bắp, mỗi vụ bà con thu trên 2,5 triệu đồng, trừ chi phí lãi 2 triệu đồng. Trong khi trước đây, bà con trồng 1 sào lúa cho sản lượng không quá 200 kg, thu khoảng 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, phân, thuốc, công cán, có vụ không lãi là bao.
“Trồng bắp được mùa và trúng giá vì bán tại chỗ (nấu bán ven đường) mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, vừa tiết kiệm được nguồn nước bơm tưới, không phải lo đau đáu hạn hán mất mùa như trồng lúa”, ông Tiến nói.
Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, toàn huyện có 312ha bắp, năng suất đạt 56,2 tạ/ha, sản lượng đạt 1.753 tấn. Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cây bắp có thể trồng được quanh năm, trồng ở các vùng đất ven sông có nguồn nước tưới. Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo nông dân trồng các giống bắp lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Năm nay, Phòng cũng có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm với diện tích trên 59ha, trong đó chuyển sang trồng bắp lai là 15ha.
Tại các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), năm trước nông dân trồng 380ha bắp, năm nay trồng 500ha. Ông Phan Văn Dũng, nông dân trồng bắp ở xã Xuân Sơn Nam cho hay: Vùng này nằm ven sông Kỳ Lộ trồng bắp mỗi năm 2 vụ đó là bắp tháng 3 và bắp tháng 8, thời gian còn lại trồng đậu xanh. Nhà tôi cả ruộng nhà và cả đất thuê là 5 sào. Với diện tích này, tôi thực hiện mô hình luân canh, 2 vụ bắp, 1 vụ trồng đậu xanh. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông bỏ túi trên 20 triệu đồng.
“Nếu trồng lúa với diện tích hơn 5 sào ở khu vực này, may mắn lắm kiếm được 5 đến 7 triệu đồng/năm là cùng, vì vùng này cuối kênh thường xuyên thiếu nước tưới. Còn trồng bắp, cây chịu hạn tốt, khoan giếng tưới ướt khô xen kẽ, thích hợp trong điều kiện sản xuất tiết kiệm nước”, ông Dũng khẳng định.
Theo ông Trần Quốc Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, ở những vùng đất không đủ nước tưới, thực tế qua các năm không đảm bảo nước tưới đến cuối vụ lúa, Phòng NN-PTNT huyện đề nghị địa phương kiên quyết chuyển đổi cây trồng sang trồng bắp, đậu. Đối với cây bắp trồng ở vùng ven soi, địa phương truyên truyền người dân sử dụng máy bơm từ các nguồn nước sông suối, ao hồ để chủ động bơm tưới. Các diện tích gần sông Kỳ Lộ thì khoan giếng chủ động bơm tưới để mang lại hiệu quả kinh tế.
Hình thành vùng chuyên canh cây bắp lai
Ngoài cánh đồng bắp ở xã An Định (huyện Tuy An) và xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), đi trên quốc lộ 25, đoạn qua các xã Hòa Định Tây, Hòa Hội (huyện Phú Hòa), nhiều người thường ghé lại mua bắp nấu bán ven đường. Vùng này nông dân trồng bắp nếp lai ăn dẻo, ngọt, thơm.
Bà Trần Thị Duyên ở xã Hòa Định Tây cho hay: Ở đây trồng bắp nấu nướng bán tiêu thụ tại chỗ. Giống bắp người dân chọn trồng là bắp nếp lai loại trổ cờ phun râu vàng ngon hơn bắp ra râu đỏ. Đặc biệt giống bắp lai có cái hay, trong một trái bắp màu vàng thì có lộn mấy hột màu đỏ, tím. Chính hột bắp này tạo vị ngọt, thơm, khi nhai trung hòa với hột màu vàng nên rất ngon nên nhiều người mua.
Còn bà Bùi Thị Hồng ở xã Hòa Hội cũng chia sẻ: Trồng bắp lai cuối vụ thương lái đến tính hàng quy ra trái, bán trụm đám bắp thu được 3 triệu/sào. Sau khi trừ chi phí còn cho lãi cao gấp 2 lần trồng lúa. Trồng bắp khỏe hơn trồng lúa, từ lúc trồng chăm sóc, thu hoạch nhẹ hơn, đồng thời không tưới nước ngập ruộng như trồng lúa.
Trên cánh đồng ven sông Ba của xã Hòa An (huyện Phú Hòa), nông dân trồng bắp, đến mùa thu hoạch nấu nướng bán các tuyến đường liên thôn, liên xã. Bà Lê Thị Mận ở xã Hòa An cho rằng, trồng bắp nếp lai ngắn ngày, thời gian sinh trưởng chỉ 65 ngày, rút ngắn được mùa vụ, nông dân có thể làm 4 vụ/năm. Ngoài cho năng suất cao, bắp lai còn có sinh khối lớn, cây cao gần ngang đầu người lớn, thu hoạch xong mà cây bắp vẫn còn xanh từ gốc đến ngọn, do đó nông dân tận dụng làm thức ăn cho bò, vừa có bắp bán vừa không phải đi cắt cỏ cho bò.
Ông Hồ Quang Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Đông Hòa An cho hay: Diện tích trồng bắp hàng năm ở xã Hòa An là 25ha. Trong những năm gần đây, vùng này chạy dọc theo sông Ba phát triển cây bắp. Diện tích đất xa mương thủy lợi hệ thống Thủy nông Đồng Cam khó trồng lúa, nông dân chuyển đổi trồng bắp, khoan giếng nước tưới.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, toàn huyện trồng 185ha bắp, tập trung tại các xã dọc theo sông Ba gồm Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Định Đông, Hòa Định Tây, Hòa Hội. Bà Trần Thị Nguyệt, Phó phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: Trồng bắp tiết kiệm nước, vùng cuối nguồn nước, huyện khuyến khích nông dân trồng chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng bắp mang lại giá trị kinh tế cao.
Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh trồng 3.635ha bắp, xu hướng sản xuất phát triển mạnh bắp ăn tươi và bắp sinh khối, năng suất đạt 50 tạ/ha. Cùng với đó chuyển đổi 336ha đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày, trong đó có 46ha trồng bắp.
Ông Đào Lỹ Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Phú Yên là tỉnh thường xuyên bị hạn hán và hạn hán kéo dài, nhất là trong vụ hè thu. Do đó các giải pháp phòng chống, ứng phó với khô hạn luôn được địa phương triển khai quyết liệt. Vùng có nguy cơ thiếu nước yêu cầu địa phương xây dựng phương án phòng chống hạn, đồng thời thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày như đậu bắp, đối với bắp thì trồng các giống lai cho năng suất cao.