Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã vượt qua con số 7.000 trường hợp và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Ngành y tế TP.HCM đã lên phương án ứng phó khi TP.HCM có 10.000-15.000 bệnh nhân Covid-19.
Bốn bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 đều tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có là các ký túc xá, khu nhà tái định cư. Dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Y tế phối hợp Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Ban Quản lý Ký túc xá ĐHQG TP.HCM để có thể nhanh chóng chuyển đổi các cơ sở hạ tầng sẵn có này trở thành bệnh viện dã chiến và sớm đi vào hoạt động.
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 (tại Ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), hoạt động từ ngày 4/7 với quy mô 4.000 giường. Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (khu nhà tái định cư ở quận 12), hoạt động từ ngày 7/7. Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 (khu nhà tái định cư ở TP Thủ Đức), quy mô 3.000 giường và Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 (khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh), quy mô 3.000 giường, bắt đầu đi vào hoạt động.
Hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố cùng với hàng nghìn y bác sĩ, điều dưỡng đang công tác tại các bệnh viện TP.HCM, bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được điều động luân phiên đến công tác tại 4 bệnh viện dã chiến này. Mỗi đợt luân phiên là 4 tuần, trong thời gian luân phiên các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại các bệnh viện dã chiến, không trở về nhà.
Các kíp cấp cứu, xe cấp cứu thường trực 24/7 tại các bệnh viện dã chiến dưới sự điều phối của Trung tâm Cấp cứu 115 để kịp thời vận chuyển người bệnh chuyển nặng đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 ở tầng 2 hoặc tầng 3.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, tính riêng các đơn vị y tế tuyến trung ương trên địa bàn TP.HCM thì có thể điều 5.000 người tham gia chống dịch Covid-19. Lực lượng này gồm bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên từ các trường Đại học Y Dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch… các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM như BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, BV Đại học Y Dược TP.HCM…
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ Quốc phòng để huy động sự hỗ trợ từ lực lượng Quân y trực thuộc Bộ Quốc Phòng đóng trên địa bàn TP.HCM.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị, TP.HCM lập danh sách chi tiết về số lượng nhân sự cần được chi viện theo từng mục đích, bao gồm hỗ trợ công tác lấy mẫu, bù khuyết vào các trường hợp nhân sự được điều chuyển, các bác sĩ, điều dưỡng tham gia hỗ trợ điều trị tại các Bệnh viện dã chiến, cũng như nhu cầu nhân sự để thực hiện “đảo quân” với những người thuộc lực lượng tuyến đầu đã tham gia công tác trong suốt thời gian vừa qua.
Trước đó, TP.HCM đã chuyển đổi công năng một số bệnh viện thành bệnh viện chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19, điều trị bệnh nhân có triệu chứng hoặc bệnh lý nền, trường hợp nặng, nguy kịch, cần hỗ trợ hô hấp, với công suất 5.000 giường.
TP.HCM áp dụng mô hình tháp 3 tầng đối với các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Tầng 1 là các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị (tương ứng tầng 1 của hình tháp) để tiếp nhận cách ly ngay các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0; Tầng 2 là các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 có triệu chứng có hoặc không có kèm bệnh lý nền; Tầng 3 là các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch.