Giáo sư và nhà làm phim Peter Byck của Đại học bang Arizona (Mỹ) tin rằng chỉ cần thay đổi cách chăn thả, gia súc có thể trở thành đồng minh hữu ích trong việc ‘chữa lành’ Trái đất trước biến đổi khí hậu.
Vị giáo sư này cho biết, phương pháp chăn thả thích ứng trên nhiều đồng cỏ (AMP) được xây dựng trên mối quan hệ cổ xưa giữa động vật và đất đai. Phương pháp còn được gọi là “chăn thả theo đám đông” tại Anh, cho đàn gia súc ăn theo cách mà hàng triệu con trâu rừng, nai sừng tấm và hươu hoang dã ăn trên khắp Bắc Mỹ, phân và móng guốc của chúng đã giúp tạo nên lớp đất phong phú, màu mỡ sâu tới 4,5m ở khu vực Đại bình nguyên Bắc Mỹ.
Thay vì thực hành phổ biến là để bò ăn cỏ trong nhiều tháng trên một cánh đồng lớn, nông dân chăn thả theo kỹ thuật AMP sử dụng một hàng rào điện để dồn đàn bò của họ vào các khu vực nhỏ nhằm tối đa hóa phân bón, sau đó di chuyển chúng đến vùng cỏ cao khác trong một hoặc hai ngày.
“Đàn gia súc có tầm ảnh hưởng rất lớn và chúng rời đi trong một thời gian dài. Phương pháp ở đây là chỉ cho chúng ăn một nửa giống như chúng ta ăn ngọn măng tây, sau đó dậm phần còn lại và phủ đất lên để giữ ẩm, từ đó vi sinh trong đất có thể phát triển mạnh mẽ.”
Đây không phải là cách đại đa số trong số khoảng 100 triệu con bò của Mỹ được cho ăn. Và sau nhiều thế hệ sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, cày xới và chăn thả gia súc quá mức, hàng triệu mẫu đất màu mỡ tự nhiên đã trở thành đất bẩn, đất ‘chết’, không có vi sinh và côn trùng tạo nên một hệ thống khỏe mạnh, đồng thời không thể hút các bon và khóa các bon dưới lòng đất.
Giáo sư Byck lần đầu tiên phát hiện ra khả năng tiêu thụ các bon của đất khỏe khi làm bộ phim tài liệu “Quốc gia các bon”, và vào năm 2014, ông đã tập hợp một nhóm các nhà khoa học để khởi động một nghiên cứu độc đáo về trang trại lân cận trên khắp vùng Đông Nam Mỹ.
Một mặt của thí nghiệm, những người nông dân truyền thống bón phân cho cỏ bằng nitơ đắt tiền và cắt cỏ để làm cỏ khô, trong khi ở bên kia hàng rào hoặc ngay dưới đường, anh ta tìm thấy những người chăn thả gia súc theo phương pháp AMP không bao giờ cắt cỏ hoặc bón phân.
Từ năm 2018 đến năm 2022, nhóm nghiên cứu tiến hành đo lường từ sức khỏe của vi khuẩn và đời sống chim chóc trong khu vực, đến sự xâm nhập của nước mưa, sự đa dạng của côn trùng và chi phí trang trại. Để trả tiền cho nghiên cứu, Byck đã xin tài trợ và gõ cửa Exxon và Shell, công ty đã trả tiền cho một số thiết bị đo khí mê-tan, và McDonald's, công ty đã nhận được khoản tài trợ tương ứng trị giá 4,5 triệu USD. Byck nói: “Tôi muốn đến các công ty lớn vì nếu họ không thay đổi, chúng tôi sẽ không đạt được kết quả mong muốn”.
Byck nói rằng ông có dữ liệu ban đầu cho thấy các trang trại AMP đã giảm lượng các bon gấp bốn lần so với các trang trại chăn thả thông thường bên cạnh và những con bò của mô hình này xả ra ít hơn 10% mê-tan so với bình thường.
Đất do móng guốc của đàn gia súc cày xới tốt hơn so với dùng máy, chứa nhiều vi sinh hơn 25%, đa dạng côn trùng hơn 33% và thu hút gấp ba lần số lượng chim đồng cỏ. Với mặt đất tơi xốp hơn, các trang trại AMP hấp thụ lượng mưa gấp đôi mỗi giờ.
Bên cạnh đó, lượng khí ni tơ được ghi nhận cao hơn ở các trang trại có đàn gia súc tự rải phân so với phương pháp chăn thả thông thường, người dân phải mua thêm phân bón cho đồng cỏ.