Đối với chăn nuôi gia súc, tẩy giun là công việc lặp đi lặp lại cho mỗi mùa xuân và thu để đảm bảo quản lý đồng cỏ được tối ưu. Người nông dân nghĩ rằng với việc tẩy giun thường xuyên, họ có thể loại bỏ mọi loại giun sán trong đàn bò của mình, ông Wayne Ayers, bác sỹ thú y cấp cao của dịch vụ kỹ thuật Elanco chia sẻ với Successful Farming.
“Chúng ta cần dừng ngay lại những gì đang làm nhiều năm qua và tin rằng giải pháp chỉ đơn giản là một ống tiêm và chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng vĩnh viễn. Tuy nhiên, chính suy nghĩ này đang tác động tới quản lý đồng cỏ vì việc tẩy giun liên tục khiến ký sinh trùng ‘chai lì’ với các chất hóa học mà chúng ta sử dụng”, ông Ayers nói.
Hiện vẫn chưa có loại thuốc tẩy giun mới nào được đưa ra thị trường, nghiên cứu cho thấy trong 10 năm qua, ký sinh trùng đường tiêu hóa ở một số đàn bò thịt bắt đầu phát triển khả năng kháng một số hóa chất, điều đó có nghĩa là ký sinh trùng đi trước người nông dân một bước.
Các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa như Ossetia Brown là loại giun gây hại nhiều nhất, nhất là đối với bê, nghé vì chúng có thể khiến gia súc biếng ăn. Các triệu chứng của giun ở gia súc bao gồm ăn ít hơn, cai sữa và sảy thai, đồng thời có thể làm chậm quá trình dậy thì của bê.
Tuy nhiên, Jacques Fuselier, giám đốc dịch vụ kỹ thuật thú y của Trung tâm Thú y Merck Animal Health cho biết, hệ thống miễn dịch của bò mới chính là cơ quan bị tổn hại nhiều nhất.
Ông nói: “Nếu hệ thống miễn dịch của một con bò đang tập trung chống lại ký sinh trùng, thì chức năng tự nhiên của nó để chống lại bất kỳ bệnh nào khác sẽ bị hạn chế. Vì vậy, nhiều chức năng như sinh sản đã bị hư hỏng, khiến con bò khó có thể quay trở lại sau cuộc chiến với giun ký sinh trùng".
Đây là chính là lúc nông dân thay đổi cách tẩy giun truyền thống bằng cách cải thiện phương pháp quản lý đồng cỏ của mình, điều này sẽ giúp ngăn ngừa những ảnh hưởng lâu dài của bệnh tật ở bò, Fuselier cho biết thêm.
Nông dân có thể kiểm soát tốt hơn ký sinh trùng đường tiêu hóa bằng phương pháp Refugia, một hoạt động lồng ghép 3 bước trong kiểm soát ký sinh trùng bằng cách quản lý quần thể ký sinh trùng nhạy cảm với thuốc tẩy giun.
Đối với phương pháp Refugia, nông dân cần phải thực hiện 2 bước kiểm tra gồm kiểm tra định lượng loài ký sinh trùng cụ thể và xét nghiệm giảm số lượng trứng trong phân.
Đây là một cách tiếp cận toàn diện để quản lý ký sinh trùng, phân tích số lượng trứng trong phân của khoảng 20 động vật. Thử nghiệm giúp xác định loài giun nào đang phát triển trên đồng cỏ và trong đàn bằng cách nuôi cấy.
Bước thứ hai của Refugia đề xuất nông dân có thể điều trị cho bò bằng thuốc tẩy giun, nhưng nên chọn những con bò có triệu chứng nhiễm giun để đề phòng kháng hóa chất.
Ayers nói: “Chúng tôi không muốn dùng thuốc cho toàn bộ đàn bò, chỉ điều trị cho một số con bò nhất định. Như vậy, ký sinh trùng trong phân bò ở một số con bó khác có thể đẻ trứng và sẽ trở nên nhạy cảm với hóa chất trong thuốc tẩy giun mà chúng tôi đang sử dụng.
Chỉ điều trị cho một số con bò cũng giúp tiết kiệm hơn, đặc biệt nếu nông dân sử dụng sản phẩm tẩy giun đắt tiền. Đây cũng là phương pháp có lợi hơn trong việc điều trị những con non, chẳng hạn như bê, có thể dễ bị nhiễm giun hơn.
Sau 14 ngày sau khi tẩy giun, nông dân nên lấy khoảng 20 mẫu phân từ đồng cỏ của họ để gửi đến phòng thí nghiệm — bước thứ ba của quy trình Refugia. Trung tâm Thú y Merck cung cấp miễn phí bộ dụng cụ đếm số lượng phân và sẽ gửi báo cáo để giúp nông dân nắm bắt được hiệu quả của thuốc tẩy giun, Fuselier cho biết thêm.
"Số lượng trứng ký sinh trùng phải giảm 90% hoặc nhiều hơn. Nếu ít hơn 90%, điều đó có nghĩa là thuốc tẩy giun của bạn không tác dụng hoặc liều dùng thuốc tẩy giun không phù hợp, đó cũng là cảnh báo nên có kế hoạch khác trong công tác loại bỏ ký sinh trùng trên gia súc”, Fuselier nói.