Trong nhiều trường hợp khác, đôi khi chỉ một video xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng cũng có thể truyền đi những thông điệp chính trị quan trọng.
Tổng thống cũng “mua” dư luận
Với bài bình luận xuất hiện trên tờ báo hàng đầu nước Mỹ New York Times hồi tháng 9/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã làm được việc mà không người Mỹ nào đủ khả năng: thống nhất quốc hội lưỡng viện của Mỹ.
Cho dù quốc hội Mỹ luôn chia rẽ theo hai phe Cộng hòa và Dân chủ, lần này họ buộc phải thống nhất quan điểm trước những ngôn từ được xem là “rao giảng” từ người đứng đầu nước Nga, quốc gia được xem là “đối địch”.
Vẫn là Ketchum, Cty PR Mỹ quen thuộc của ông Putin, đã giúp bài báo xuất hiện trên New York Times, giống như lần họ thành công trong việc đưa bài viết của Tổng thống Nga lên báo The Times (Anh).
Ketchum cũng là Cty mà chính quyền Tổng thống George W. Bush sử dụng để tạo ra cái mà một số người Mỹ gọi là “tuyên truyền trá hình”, theo tờ National Journal.
Ký hợp đồng với Bộ Y tế Mỹ, Ketchum đã chi trả thông qua tiền thuế cho học giả bảo thủ Armstrong Williams 241.000 USD để ông này ca ngợi một chương trình chăm sóc trẻ em trên các đài CNN và CNBC, phỏng vấn Bộ trưởng Giáo dục Rod Paige cho các chương trình quảng cáo trên tivi và đài phát thanh.
Sau đó, tờ Washington Post tiết lộ rằng cây bút phe bảo thủ Maggie Gallagher cũng nhận từ Bộ Y tế Mỹ ít nhất 20.000 USD thông qua Ketchum. Hàng ngàn USD cũng được chi trả cho Michael McManus, người nắm chuyên mục “Đạo đức và tôn giáo”, xuất hiện trên nhiều tờ báo Mỹ.
Nhưng ông Bush hay Putin đâu phải là khách hàng lớn duy nhất của Ketchum. Năm 2010, chính quyền của ông Barack Obama cũng thuê Ketchum PR cho một chương trình của Bộ Y tế Mỹ.
Tờ National Journal bình luận: “Có lẽ ông Obama và ông Putin nay có thể tìm kiếm giải pháp cho Syria trong một chầu nhậu tại “trại” Ketchum”.
Rob Flaherty, giám đốc điều hành của Cty Ketchum (ảnh: prweek.com)
Chiêu PR của ông Kim
Sau khi xuất hiện những đề nghị quốc tế truy tố về “các tội ác chống lại loài người” đối với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, nước này được tin là đã tung ra một chiến dịch truyền thông nhằm bác bỏ các cáo buộc, theo mô tả của báo Telegraph.
Bắc Triều Tiên đã đề nghị mở cửa đón các điều tra viên về quyền con người của Liên Hợp quốc, điều chưa từng có, như một phần chiến dịch loại bỏ các nỗ lực của lãnh đạo nhiều quốc gia muốn đưa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên ra xét xử.
Thường xuyên từ chối tiếp xúc với bên ngoài, nhưng nay các lãnh đạo Bắc Triều Tiên “ra những cú đòn ngoại giao mềm mỏng” liên tiếp bằng việc tiếp xúc với các đối tác ở Liên Hợp quốc, gặp gỡ báo chí và phát biểu tại một tổ chức nghiên cứu ở New York (Mỹ), điều hiếm thấy.
Đây là những bước đi sau khi Marzuki Darusman, phái viên đặc biệt về nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên trình báo cáo lên Đại hội đồng Liên Hợp quốc.
Ông Darusman, cựu trưởng công tố Indonesia, thúc giục Hội đồng Bảo an đưa ông Kim Jong-un và các lãnh đạo khác của Bắc Triều Tiên ra truy tố tại Tòa án Tội phạm quốc tế (ICC). Trong báo cáo, Darusman so sánh chính quyền CHDCND Triều Tiên với chế độ quốc xã Đức.
Đổi lại, các quan chức Bắc Triều Tiên đưa ra đề nghị hiếm thấy: gặp gỡ ông Darusman (lần đầu tiên) tại New York và sau đó, phía Bắc Triều Tiên nói họ có thể cho phép ông tới thăm nước này.
Trước đó, họ luôn phớt lờ hoặc khước từ đề nghị của ông Darusman được tới Bắc Triều Tiên. Nhưng các quan chức Bắc Triều Tiên cũng nói rõ họ muốn bản báo cáo lược bỏ đi phần luận tội ông Kim Jong-un.
“Các resort trượt tuyết, đường đua ngựa, công viên giải trí trên khắp đất nước mở cửa hằng ngày, tất cả cũng vì niềm vui của người dân đất nước chúng tôi”, ông Jang Il-hun, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp quốc bào chữa. |
Đồng thời, Jang Il-hun, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp quốc có bài phát biểu mạnh mẽ bảo vệ vấn đề quyền con người ở nước này trong lần xuất hiện được mô tả là hiếm hoi tại Hội đồng Quan hệ quốc tế.
Và cũng để tỏ ra thiện chí, Bắc Triều Tiên cho thả một tù nhân người Mỹ. Điều này cũng là gợi ý rằng họ nay có thể tái khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân.
Bình Nhưỡng cũng cử một đoàn thể thao và chính trị gia tới Đại hội Thể thao châu Á (Asian Game) được tổ chức tại Hàn Quốc trong tháng 10/2014. Trong một động thái khác, Bình Nhưỡng bắt đầu đàm phán với đại diện Nhật Bản về các công dân Nhật bị bắt cóc nhiều thập kỷ trước.
Và trong khi xuất hiện nhiều thông tin nói lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un không xuất hiện trong vòng 40 ngày, rằng ông Kim đang phải hồi phục sau ca phẫu thuật mắt cá chân, hậu quả của việc quá cân và sức khỏe suy giảm, mới đây, Kim Jong-un xuất hiện trong một video cho thấy ông ngồi ghế lái chính một máy bay thương mại, điều khiển nó cất và hạ cánh an toàn với sự hỗ trợ của một phi công ngồi bên cạnh. Đoạn video xuất hiện trên truyền hình Bắc Triều Tiên, theo Daily Mail.
Cha ông Kim Jong-un, cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên, là người không thích máy bay. Ông thường đi công cán bằng tàu hỏa bọc thép. (Còn nữa)