Các quyết định lịch sử giúp TP.HCM khống chế đại dịch Covid-19
Báo cáo Thủ tướng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, Thành phố có ba tuần liên tiếp là "vùng xanh" với số ca mắc mới tiên tục giảm thấp dưới 300/ngày, số trường hợp tử vong liên tục được kéo giảm từ 123 trường hợp/ngày vào ngày 2/10.
"Ngành y tế TP.HCM trân trọng tri ân và gửi lời cám ơn sâu sắc đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặc biệt là đã kịp thời ban hành những quyết định chưa từng có mang tính lịch sử làm thay đổi được cục diện của dịch bệnh Covid-19 diễn biến khốc liệt trên địa bàn Thành phố để có được như ngày hôm nay", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM bày tỏ.
Theo ông Tăng Chí Thượng, yếu tố quyết định sự thành công của cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là chiến lược "ngoại giao vacxin", các quyết định lịch sử triển khai khẩn cấp 525 trạm y tế lưu động trên phạm vi toàn Thành phố, sự chi viện của gần 25.000 cán bộ y tế cho TP.HCM chống dịch, thành lập các trung tâm hồi sức Covid-19 chuyên sâu do các bệnh viện Trung ương đảm trách…
Sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 128, TP.HCM đã có những chiến lược mới về giám sát, xét nghiệm, kiểm dịch phù hợp với tình hình mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành quả mà TP.HCM đạt được trong năm 2021, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn, mất mát, hy sinh của nhân dân Thành phố do tác động của dịch bệnh trong năm 2021.
TP.HCM đã đóng góp rất quan trọng vào công tác phòng, chống dịch, thay đổi tư duy, biện pháp trong phòng, chống dịch, "đi trước đón đầu", thực hiện các thí điểm có tính chất quyết định trong phòng, chống dịch và giữ được bản lĩnh trong lúc khó khăn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương.
"Đến nay, TP.HCM đã trở thành một "Thành phố xanh". Đóng góp vào những thành quả chung nói trên, có vai trò nòng cốt của ngành y tế Thành phố”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo Thủ tướng, TP.HCM đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn, gồm cả những khó khăn, thách thức chung và những khó khăn, thách thức do đặc thù của Thành phố.
“Khi dịch Covid-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta, với những diễn biến chưa có tiền lệ, trong lúc chưa có đủ vacxin khi vacxin khan hiếm trên toàn cầu, chưa có thuốc điều trị, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, chúng ta không tránh khỏi những lúng túng ban đầu.
Về đặc thù, TP.HCM có số dân đông nhất cả nước, cơ cấu dân số đa dạng nhất, thành phần dân cư phong phú nhất, với nhiều đặc điểm riêng về dân cư-xã hội. Do đó, trong tổng thể các biện pháp phòng, chống dịch chung cả nước, phải có các biện pháp đặc thù riêng dành cho Thành phố, đây là bài toán khó đặt ra trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ 4”, Thủ tướng phân tích.
Với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe và người dân lên trên hết, trước hết, khi chưa có đủ vacxin và thuốc chữa bệnh, bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, trong đó có việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam với khoảng 40 triệu người dân…
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người dân được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, trên quy mô chưa từng có, trong thời hạn rất gấp rút nhưng lại kéo dài, trong điều kiện giãn cách xã hội để chống dịch và nguồn lực có hạn. Cả nước đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
“Đến nay, TP.HCM đã bình tĩnh, tự tin mở cửa trở lại, thực hiện hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua khó khăn, thách thức, TP.HCM và ngành y tế đã trưởng thành lên rất nhiều.
5K + vacxin + thuốc + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác"
Chúng ta đã sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, dần hình thành và hoàn thiện lý luận và công thức phòng, chống dịch sát tình hình và phù hợp điều kiện Việt Nam với công thức "5K + vacxin + thuốc + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Phân tích thêm về những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Với sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả nước đã đoàn kết, chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện "đa mục tiêu", đất nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng trên nhiều lĩnh vực”.
Năm 2022, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi, dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với các biến chủng mới.
Thủ tướng đề nghị, TP.HCM không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục sơ kết, tổng kết thực tiễn để phòng, chống dịch tốt hơn, triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống dịch trong năm 2022-2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thần tốc, thần tốc và thần tốc hơn nữa trong tiêm vacxin cho toàn bộ các đối tượng theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Đẩy mạnh triển khai tiêm vacxin cho trẻ em 12-17 tuổi để mở cửa lại trường học từ sau Tết gắn với an toàn dịch bệnh… Tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro, thực hiện hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành y tế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, củng cố năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, phát huy sức mạnh của ngành y tế. Quan tâm, chăm lo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Thành phố.