Theo Reuters, châu Âu mong muốn hoàn tất thỏa thuận thương mại với khối Mercosur (Thị trường chung Nam Mỹ) vào cuối năm nay, dù vẫn còn một số điểm bất đồng giữa hai bên. Khối Mercosur gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay và Bolivia. Đây là thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu EU.
Trong cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Brazil, ông Janez Lenarcic - Ủy viên phụ trách quản lý khủng hoảng của Liên minh Châu Âu (EU) thừa nhận: Luật chống phá rừng của châu Âu (EUDR) là điểm gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng quy định này sẽ không thay đổi, dù thời gian thực thi có thể bị hoãn một năm.
Đạo luật mới nhằm bảo vệ rừng trên toàn thế giới cấm nhập khẩu vào châu Âu các sản phẩm như ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, gỗ, thịt bò, cao su, nếu có nguồn gốc từ đất rừng bị phá sau tháng 12/2020.
“Trước hết, Liên minh Châu Âu rất muốn đạt được thỏa thuận này”, ông Lenarcic chia sẻ và khẳng định, EUDR đã ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán, đặc biệt là với Brazil.
Vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) và các đại sứ trong khối EU đã nhất trí lùi thời hạn thực thi Luật chống phá rừng, sau áp lực từ một số quốc gia thành viên và các nước xuất khẩu nông sản lớn như Brazil.
Ông Lenarcic thông tin, EU đã lắng nghe yêu cầu về việc trì hoãn thực thi, nhưng cuối cùng, quy định này sẽ không thay đổi.
Trước đó, ngày 4/11, Tổng thống Paraguay Santiago Peña đã bày tỏ sự bi quan về kết quả đàm phán FTA giữa Mercosur và EU. Sau hơn 20 năm thương lượng, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận để ký kết FTA do các yêu cầu mới về môi trường mà phía châu Âu đưa ra.
Theo Bộ Ngoại giao Brazil, các đại diện khối Mercosur sẽ tiếp tục đàm phán với EU trong tháng 11, với hy vọng đạt được thỏa thuận trước tháng 12.
Ngành cà phê Việt sẵn sàng đáp ứng Luật chống phá rừng của châu Âu
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), đến nay, ngành cà phê đã đáp ứng được các quy định của châu Âu. VICOFA bám sát, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng EUDR theo khung hành động mà Bộ ban hành.