| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 15/05/2023 , 16:39 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:39 - 15/05/2023

Quan chức sai phạm nên rút lui trong danh dự

Quan chức sai phạm 'rút lui trong danh dự là tốt nhất', quan điểm ấy được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngay trước Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc sáng 15/5.

Quan chức sai phạm ở nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp bậc, đang được xem như một mối bận tâm của công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Quan chức sai phạm chắc chắn bị ngăn chặn mọi âm mưu “chui sâu, trèo cao” từ chính hoạt động phê bình và tự phê bình trong nội bộ Đảng.

Một trong những hoạt động đáng chú ý của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa khai mạc sáng 15/5 tại Hà Nội, là lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu thể hiện chính kiến về mức độ tín nhiệm đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới.

Lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa một cuộc sát hạch cụ thể và nghiêm túc đối với từng cán bộ cấp cao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, sẽ không còn chỗ che đậy và phân bua cho những quan chức sai phạm. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, mà bệnh nhẹ thì càng dễ điều trị hơn bệnh nặng.

Bởi lẽ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: "Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để chấm mút, đó là nói nhẹ. Còn nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín”.

Một thành tựu gần đây của Đảng rất được nhân dân ủng hộ là đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Chống tham nhũng bằng bản án công khai, còn chống tiêu cực bằng lấy phiếu tín nhiệm.

Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ giải pháp đấu tranh để hạn chế tối đa quan chức sai phạm: “Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng. Hiện nay việc này đã tạo sức răn đe, cảm hóa rất lớn, đi vào nề nếp ở các cấp, các ngành”.

Lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được đánh giá là bước đầu cho quá trình tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Tiếp theo, lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo các địa phương cũng sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, bất kỳ quan chức sai phạm nào cũng sẽ bị khoanh vùng, để xử lý hoặc thay thế.

Việt Nam đang đối diện nhiều thử thách tồn tại và phát triển. Cho nên, trình độ và nhân cách của cán bộ phải được đề cao đúng mức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định không còn cơ hội cho sự lộng hành của các quan chức sai phạm: “Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem”.