Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự và phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài, do đó cần tổ chức thực hiện chặt chẽ, có phương án rõ ràng sẽ hạn chế, cũng như giảm thiểu thiệt hại. UBND tỉnh Đồng Tháp còn đề nghị các địa phương cập nhật các phát sinh về thiên tai để đưa vào kịch bản ứng phó, điển hình như sạt lở nội đồng.
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình lấn chiếm sông, kênh rạch để giảm nguy cơ sạt lở. Phải có phương án khắc phục hạn và dự báo tình hình thiên tai, tổng hợp nhu cầu kinh phí, trang thiết bị phục vụ phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo, năm 2023, bão và áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhưng đã gián tiếp gây ra mưa vừa đến mưa to, dông lốc, gió mạnh và xảy ra 30 trận mưa kèm theo dông, sét đã làm 2 người chết do dông. Sét đánh làm 1 người bị thương, làm sập 24 căn nhà. Làm tốc mái, xiêu vẹo 447 căn, làm đổ ngã nhiều trụ điện và hàng chục hecta cây lâu năm, hoa màu, cây kiểng... bị thiệt hại.
Năm qua, xảy ra 7 vụ sạt lở bờ sông Tiền, với chiều dài sạt lở 4,43 km, diện tích sạt 2,43 ha, sạt lở ăn mòn đất xảy ra ở 2 huyện Thanh Bình và Cao Lãnh, với chiều dài khoảng 20,1 km, diện tích sạt 1,36 ha, ước thiệt hại là 11,36 tỷ đồng.
Sạt lở nội đồng xảy ra 92 vụ, sụt lún với chiều dài sạt lở là 3,71 km, diện tích 0,975 ha làm ảnh hưởng trực tiếp đến 19 hộ dân, ước thiệt hại là 5,45 tỷ đồng.