Nói về bối cảnh năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là một năm không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền, song vẫn chứng kiến một số thiên tai cực đoan như sạt lở, lũ quét liên tục từ tháng 8,9 tại Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai)…; lụt lớn ở miền Trung và một số thiên tai cực đoan khác như sạt lở ở Nghệ An, Thanh Hóa.
Tuy nhiên, những thiên tai trên vẫn có tính quy luật. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cần sớm nghiên cứu tổng kết và tính toán lại, căn cứ vào dự báo, yếu tố lịch sử và số liệu liên quan để nâng chất lượng dự báo về các loại hình thiên tai, từ đó chủ động ứng phó tốt hơn.
“Năm 2023 may mắn thiên tai không khốc liệt, song số người chết giảm không nhiều, chỉ 3% so với 2022. Đây là vấn đề cần nghiên cứu lại khi số người chết chủ yếu do lũ và sạt lở”, Thứ trưởng yêu cầu.
Ngoài ra, thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng, bằng 40% của năm 2022. Năm nay là một trong những năm thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra ít nhất trong lịch sử.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai là một trong những đơn vị đầu tiên của Bộ NN-PTNT ổn định tổ chức (khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ tổng cục xuống cục) và đi vào hoạt động ngay lập tức. Đây là thành quả từ tinh thần của người làm phòng chống thiên tai.
Thứ hai, Cục đã hoàn thành với chất lượng cao, có trách nhiệm, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Bộ NN-PTNT. Năm nay là lần đầu tiên Thủ tướng phê duyệt dành 10.000 tỷ đồng cho phòng chống sạt lở, riêng ĐBSCL là 4.000 tỷ, đây là một trong những thành tích tham mưu của Cục, dù là công việc phái sinh. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công khó khăn nhưng Cục vẫn hoàn thành 100%.
Thứ ba, Cục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức các sự kiện quan trọng trong năm Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai. Lãnh đạo Bộ đánh giá đây là hoạt động nổi bật nhất khi dư luận và bạn bè quốc tế đánh giá cao cả cách tiếp cận và cách làm.
Năm 2024, chủ đề đề xuất cho ASEAN được đồng ý là “hành động sớm” với khẩu hiệu chung của Liên hợp quốc là “Người tuyến đầu”. Như vậy, đây vừa là chủ đề vừa là khẩu lệnh của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Thứ tư là công tác thông tin tuyên truyền, quản lý rủi ro, phát huy được thế mạnh của Cục với hoạt động đa dạng, mạnh dạn, đối tượng tiếp cận rõ ràng hơn.
Thứ 5, Cục đã làm tốt công tác và đúng chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, qua đó kết nối tốt các đơn vị, tham mưu hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Thứ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại Cục cần khắc phục. Trên tinh thần đó, năm 2024 dự báo sẽ là một năm tiếp tục có hạn đầu năm và mưa lũ cuối năm, tình hình thiên tai diễn biến với mức độ trung bình trung nhưng sẽ có một vài đợt thiên tai mang tính cực đoan. Thứ trưởng cho rằng đây là điều phải lo lắng đối với người làm công tác thiên tai.
Thứ trưởng đồng ý với những nhiệm vụ Cục đặt ra trong báo cáo và yêu cầu một số nhiệm vụ trong tâm khác về thể chế, cần tính toán trong quá trình góp ý Nghị định hướng dẫn Luật Phòng thủ dân sự khi Nghị định đi vào hiệu lực. Bên cạnh đó, rà soát tất cả các quy định, lỗ hổng, chỗ trống khi triển khai trong thực tiễn.
Cục cũng cần nghiên cứu tham mưu, chỉ đạo triển khai chiến lược, đề án, chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia, đề án Phòng chống sạt lở bờ sông bờ biển đến năm 2030…
Tập trung đi sâu hơn vào nhiệm vụ chuyên môn, các nhiệm vụ phải hoàn thành ở quý 2 năm 2024 như báo cáo giải pháp tổng thể phòng chống sạt lở ĐBSCL, nằm trong đề án Tổng thể bờ sông bờ biển, các kế hoạch tổng hợp quản lý lũ lụt trên các hệ thống sông…