| Hotline: 0983.970.780

Từ vụ mạo danh mã số vùng trồng

Quản lý chặt chẽ từ đơn vị cấp mã số đến địa phương

Thứ Tư 19/08/2020 , 07:10 (GMT+7)

Các tỉnh, thành ĐBSCL đang tăng cường công tác quản lý sau vụ doanh nghiệp mạo danh mã số vùng trồng xoài ở Đồng Tháp, xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, sau vụ doanh nghiệp mạo danh xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, sau vụ doanh nghiệp mạo danh xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện. Ảnh: Hoàng Vũ.

Mạo danh gây họa

Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có diện tích trồng xoài lớn với diện tích trên 10 ngàn ha, mỗi năm cho sản lượng trên 100 ngàn tấn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Nhưng thời gian vừa qua, tại vùng trồng xoài này bị gặp sự cố vì một doanh nghiệp đã mạo danh, tùy tiện sử dụng mã số vùng trồng của HTX Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, để xuất khẩu các lô xoài sang Trung Quốc.

Điều đáng nói là, trong tháng 6 vừa qua, phía Hải quan Trung Quốc phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm sâu gây hại, trong đó có nhiều lô gắn các mã số vùng trồng của HTX Xoài Mỹ Xương. Tuy nhiên, trên thực tế vào thời điểm đó sản phẩm xoài ở HTX xoài Mỹ Xương đã hết mùa vụ, không có sản phẩm xuất đi.

"Chi cục đã phối hợp địa phương điều tra xác định nguyên nhân tại 2 vùng trồng này và báo cáo về Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II: Thời điểm đó xoài đã hết mùa vụ, không có sản lượng thu hoạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn, cấp và quản lý mã số vùng trồng, nhà đóng gói xuất khẩu chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và ngược lại", ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp.

Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương bức xúc: “Sau khi hay tin sản phẩm của HTX xoài Mỹ Xương bị mạo danh xuất khẩu và phía Trung Quốc trả về do bị nhiễm đối tượng bảo vệ thực vật, bà con trong HTX rất ngạc nhiên và bức xúc.

Bởi thời điểm phát hiện các lô xoài có sâu gây hại, diện tích trồng xoài của HTX cũng đã hết vụ.

Hơn nữa, các đối tác ký hợp đồng với HTX không có đơn vị nào xuất khẩu hàng sang Trung Quốc.

Vì vậy, để không làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm xoài Mỹ Xương, chúng tôi rất mong các ngành, các cấp điều tra, xử lý để bảo vệ quyền lợi của bà con xã viên”.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Đồng Tháp xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khó tính, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho nông dân, HTX, tổ hợp tác sản xuất nông sản trên địa bàn thực hiện các thủ tục về đăng ký và cấp mã số vùng trồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Tuy nhiên thời gian qua, việc quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu xoài chưa chặt chẽ, từ đơn vị cấp mã số đến địa phương.

Điển hình, cuối tháng 6/2020 mã số vùng trồng VN - DTOR - 0017 và VN - DTOR - 0018 không có sản lượng xoài thu hoạch nhưng lại có một doanh nghiệp vẫn dán mã số vùng trồng này xuất khẩu bị Hải Quan Trung Quốc phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật.

Nhằm chủ động quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói trên địa bàn tỉnh, tránh thiệt hại đến uy tín, nhãn hiệu, vùng trồng trong thời gian tới, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn theo dõi, ghi nhận sản lượng trái cây/mã số vùng trồng (tấn/tháng) và bán cho đơn vị thu mua xuất khẩu (nếu thương lái thu gom cho đơn vị xuất khẩu), sản lượng trái cây/nhà đóng gói (tấn/tháng) được thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Bên cạnh đó, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các mã số vùng trồng cho HTX, nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đóng gói, thực hiện tốt các tiêu chí đánh giá theo yêu cầu.

Phối hợp với Đoàn thẩm định, kiểm tra cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói trên địa bàn. Tiếp tục hướng dẫn, đăng ký cấp mã số vùng trồng và nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính.

Thực hiện Hướng dẫn số 08/HD-SNN ngày 24/12/2019 của Sở NN-PTNT Đồng Tháp về trình tự thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số quốc gia (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan và EU), đến nay, trên địa bàn tỉnh có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi khẩu sang thị trường Trung Quốc, 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho biết, hiện nay, việc xuất khẩu trái cây sang thị trường khó tính và Trung Quốc, các nước nhập khẩu yêu cầu Việt Nam phải đăng ký có mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói được hai bên thống nhất để đối chiếu vào hồ sơ, thông tin trên bao bì, nhãn mác của mỗi lô hàng khi xuất khẩu (trong đó có mã số vùng trồng), nếu trùng khớp mới được thông quan.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số công ty xuất khẩu trái cây xuất khẩu đã lợi dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói khi chưa được chủ sở hữu đồng ý, đã gây ảnh hưởng đến uy tín, nhãn hiệu, chất lượng trái cây trong tỉnh.

Về việc quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu trên địa bàn đang được tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh. Ảnh: Hoàng Vũ.

Về việc quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu trên địa bàn đang được tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh. Ảnh: Hoàng Vũ.

Các tỉnh tăng cường quản lý

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn thứ hai tại ĐBSCL, chỉ đứng sau tỉnh Tiền Giang. Toàn tỉnh có 6 mã số vùng trồng được cấp. Diện tích được câp mã số vùng trồng là hơn 64 ha trên các loại cây ăn trái như xoài cát núm, nhãn, chôm chôm, bưởi Năm Roi.

Riêng diện tích trồng xoài của tỉnh có trên 5 ngàn ha, chuyên canh xoài cát núm, cát chu, xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan… với sản lượng hàng năm khoảng 60 ngàn tấn.

Hiện nay, diện tích xoài được chứng nhận sản xuất có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được cấp mã số vùng trồng gần 27,5 ha. Phần lớn xoài được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Trung Quốc như xoài Đài Loan. Riêng xoài cát núm thì chỉ tiêu thụ nội địa hoặc xuất sang Mỹ, châu Âu.

HTX xoài cát núm Quới An (xã Quới An, huyện Vũng Liêm) là đơn vị sản xuất xoài cát núm theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được cấp mã số vùng trồng.

Anh Trần Văn Đằng, Giám đốc HTX cho biết: “Từ lâu, xoài cát núm chúng tôi đã không xuất khẩu sang Trung Quốc rồi, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Còn sản xuất theo chuẩn GlobalGAP thì chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Bây giờ nói chung chúng tôi không không gặp khó ở thị trường Trung Quốc mà khó ở thị trường Âu Mỹ do dịch Covid-19”.

Nhiều tỉnh thành ĐBSCL đã cấp mã số vùng trồng, dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cây ăn trái nói chung, trong đó có trái xoài để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nhiều tỉnh thành ĐBSCL đã cấp mã số vùng trồng, dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cây ăn trái nói chung, trong đó có trái xoài để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Vũ.

Để tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: “Phía đơn vị cấp mã số vùng trồng nên phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp để có thông tin hai chiều, nhất là về người được cấp mã số vùng trồng. Cơ quan chuyên môn địa phương cần có thông tin quản lý rõ ràng, vùng mình được cấp cây gì để biết, cũng như là giữa doanh nghiệp tiêu thụ với các nơi liên kết trên địa bàn để nắm rõ được thời điểm, sản lượng tiêu thụ”.

Tại Hậu Giang, tỉnh có vườn trái cây đặc sản cũng khá lớn, với các mặt hàng chủ lực xoài, bưởi, quýt, chanh không hạt…

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang cho biết, hiện tại đơn vị có đặt Văn phòng đại diện của Hiệp hội Trang trại Doanh nghiệp Nông nghiệp, có chức năng cung cấp tem nhãn dán lên sản phẩm trái cây để truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu.

Sau khi nhà vườn được tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất, quá trình canh tác nếu kiểm tra đạt yêu cầu thì sẽ được cung cấp loại tem nhãn này. Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, quản lý công tác cấp dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trà trộn sản phẩm không đạt chất lượng để xuất bán, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín nông sản địa phương.

Đồng Tháp: Đã cấp 131 mã số vùng trồng cho trái cây xuất khẩu

Đối với thị trường khó tính (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan, EU…), Đồng Tháp có 32 mã số vùng trồng, gồm: 23 mã số vùng trồng xoài, 8 mã số vùng trồng nhãn và 1 mã số vùng trồng vú sữa.

Đối với thị trường Trung Quốc có 108 mã số vùng trồng (77 mã số vùng trồng xoài, 16 mã số vùng trồng nhãn, 2 mã số vùng trồng thanh long, 14 mã số vùng trồng mít, 1 mã số vùng trồng chôm chôm) và 12 mã số nhà đóng gói.

So với lần cập nhật trước đây, giảm 2 mã số vùng trồng và 1 nhà đóng gói, gồm mã số vùng trồng VN-DTOR-0017 và VN-DTOR-0018, mã số nhà đóng gói VN-DTPH-001 đã bị loại khỏi danh sách, lý do Hải quan Trung Quốc thông báo lô xoài nhập khẩu phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật (theo thông báo của Cục Bảo vệ thực vật ngày 18/6/2020).

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.