| Hotline: 0983.970.780

Cấp mã số vùng trồng - Nhiều nơi còn mơ hồ

Thứ Tư 17/04/2019 , 10:10 (GMT+7)

Các lô hàng khi đưa lên cửa khẩu, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ truy xuất thông qua nhãn mác, tờ khai hoặc mã QR, nếu thông tin sản phẩm, cơ sở đóng gói ấy đã có trong hệ thống quản lí, thì mới cho phép thông quan...

16-56-42_10-43-57_imge00226
Hải Dương đang gấp rút triển khai cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho vùng vải thiều Thanh Hà

Trao đổi với NNVN, bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Hải Dương cho biết từ năm 2018, theo quy định mới của phía Trung Quốc về việc bắt buộc ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng trái cây (đã được phía Trung Quốc cho phép NK từ Việt Nam), Hải Dương đã tiến hành triển khai đăng ký và đã được cấp mã số cho 2 cơ sở đóng gói và 13 mã số vùng trồng để XK vải thiều sang Trung Quốc (với diện tích chỉ mới đạt khoảng 100ha).

Vì vậy, số lượng mã số đã được cấp để XK quả vải sang Trung Quốc vẫn còn rất ít (so với tổng số lượng cơ sở đóng gói toàn vùng vải Thanh Hà khoảng trên 60 cơ sở và tổng diện tích vải toàn huyện khoảng gần 10 nghìn ha). Trước tình hình này, từ đầu năm 2019, Sở NN-PTNT Hải Dương đã chỉ đạo phải tiếp tục đẩy nhanh việc đăng ký để cấp mã số vùng trồng cho vùng vải thiều Thanh Hà nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu XK sang thị trường Trung Quốc trong vụ vải năm 2019.

Theo đó, cuối tháng 3/2019 vừa qua, Chi cục BVTV Hải Dương cùng với các tỉnh có các mặt hàng nông sản XK lớn sang Trung Quốc đã tiếp tục được cơ quan chức năng hai phía Việt Nam và Trung Quốc phối hợp tập huấn, phổ biến về các quy định, trình tự thủ tục đăng ký, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để XK các loại trái cây sang Trung Quốc.

Chi cục BVTV Hải Dương đã tham mưu Sở NN-PTNT tỉnh và đã có văn bản hướng dẫn tới các địa phương cũng như các cơ sở đóng gói vải trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, ngày 20/4/2019 tới, Hải Dương sẽ phải hoàn tất việc đăng ký mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để tổng hợp, gửi Cục BVTV tiến hành cấp mã số và gửi sang phía Trung Quốc.

Liên quan tới quy định của việc triển khai cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khi XK sang thị trường Trung Quốc, bà Lương Thị Kiểm khái quát: Có thể hình dung đơn giản của quy định này, là nhằm kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, xem một loại trái cây nào đó của Việt Nam khi XK sang Trung Quốc thì cơ quan chức năng của họ sẽ biết được lô sản phẩm ấy là quả gì, trồng ở đâu, đóng gói ở đâu...? Mỗi mã số vùng trồng (hiện dao động xung quanh 10ha), và mã số cơ sở đóng gói, sau khi được Cục BVTV cấp mã số và được phía Trung Quốc chấp thuận, thì sẽ được cơ quan hải quan của phía Trung Quốc đưa vào hệ thống quản lí của họ. Các lô hàng khi đưa lên cửa khẩu, cơ quan hải quan của họ sẽ truy xuất thông qua nhãn mác, tờ khai hoặc mã QR, nếu thông tin sản phẩm, cơ sở đóng gói ấy đã có trong hệ thống quản lí, thì mới cho phép thông quan...

Mặc dù vậy theo bà Kiểm, tại vùng vải thiều Thanh Hà, điều rất nguy hiểm là cả nông dân, các cơ sở đóng gói XK và cả chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa hiểu gì về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói khi XK các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc. Có địa phương và nhiều cơ sở đóng gói XK, khi nhận được thông báo triển khai đăng ký cấp mã số, còn thắc mắc là đăng ký để làm gì, vì sao phải đăng ký, đăng ký rồi thì có cam kết bao tiêu hết vải thiều cho nông dân không...?

“Thực trạng này cho thấy nếu chỉ có thông báo bằng văn bản, thì bản thân các địa phương, các cơ sở đóng gói và cả nông dân sẽ không hiểu được vì sao phải cấp mã số. Vì thế theo kế hoạch, đầu tháng 5/2019, Sở NN-PTNT Hải Dương sẽ phải chủ trì, mở các đợt tập huấn cho toàn bộ các địa phương và cơ sở đóng gói, các nhà vườn lớn đã đăng ký mã số để phổ biến chi tiết về quy định cụ thể, ý nghĩa, tầm quan trọng của nó ra sao” – bà Kiểm cho biết.

“Trước đây, Hải Dương đã triển khai cấp mã số vùng trồng cho một số diện tích vải để XK đi Mỹ và Úc. Tuy nhiên, cần phải hiểu là các mã số này là chỉ dùng để XK đi Mỹ và Úc, chứ mã số để XK đi Trung Quốc thì lại là một mã khác, bởi mỗi nước họ có quy định riêng khác nhau.

Hiện nay, phía Trung Quốc chưa giới hạn về diện tích, số lượng mã vùng, mã cơ sở đóng gói, nên Hải Dương chủ trương là cần phải tranh thủ đăng ký càng nhiều càng tốt, trước mắt là cho vùng vải thiều tập trung ở Thanh Hà, sau nữa sẽ tới các sản phẩm khác đã được phía Trung Quốc cho phép NK từ Việt Nam mà Hải Dương có tiềm năng như dưa hấu, chuối, nhãn.

Về dài hơi, có thể hình dung việc cấp mã hiện nay của phía Trung Quốc mới chỉ là bước khởi đầu cho việc quản lí truy xuất nguồn gốc nông sản.

Tương lai, rất có thể họ sẽ còn trực tiếp quản lí, giám sát, kiểm tra, định vị GPRS tới từng vùng trồng, cũng như quy định về quy trình SX, sơ chế, đóng gói phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh ATTP... tương tự như đối với các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói mà các nước như Úc, Mỹ đã áp dụng đối với các vùng vải thiều XK của chúng ta. Vì vậy, khâu tuyên truyền để các địa phương, người dân, DN, cơ sở thu mua đóng gói, XK hiểu được tầm quan trọng, xu hướng tất yếu này là điều hết sức cấp thiết và quan trọng”.

(Bà Lương Thị Kiểm)

 

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất