| Hotline: 0983.970.780

Quản lý sâu bệnh cho cây hồ tiêu ở Tây Nguyên trong mùa mưa

Thứ Sáu 27/09/2024 , 06:35 (GMT+7)

Năm 2024 thời tiết rất bất lợi cho nhà vườn trồng tiêu, khiến cho việc quản lý sâu bệnh, dịch hại càng thêm khó khăn, làm tăng nguy cơ giảm năng suất, chất lượng tiêu...

Ông Phạm Viết Quyền, một nông dân trồng hồ tiêu lâu năm ở TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết: “Chưa bao giờ thời tiết Tây Nguyên lại nắng đến 8 tháng như năm nay cả. Ngay lúc tiêu bắt đầu bung ra trái lại mưa nhiều, khiến tiêu đậu trái kém, bị bồ cào, hạt không được đông đặc trên chuỗi. Thời tiết không còn đi theo quy luật nên giờ chăm tiêu rất khó. Sâu bệnh phát triển cũng nhiều”.

Thực tế, tình hình mưa bão kéo dài làm các bệnh phát sinh từ đất như là các bệnh chết nhanh (do nấm Phytophthora spp), bệnh chết chậm (chủ yếu do tuyến trùng u sưng rễ kết hợp với một số loại nấm gây hại trong đất gây ra), thán thư… phát triển mạnh trên cây hồ tiêu hơn mọi năm.

Thời tiết bất lợi nên hồ tiêu rất dễ bị bệnh gây hại. Ảnh: Hồng Huệ.

Thời tiết bất lợi nên hồ tiêu rất dễ bị bệnh gây hại. Ảnh: Hồng Huệ.

Theo các nhà khoa học, để quản lý tốt dịch hại cho cây tiêu, không thể chỉ dựa vào thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà phải dựa vào biện pháp phòng trừ tổng hợp.

Theo đó, mùa mưa 2024 diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm mưa liên tục, với lượng mưa lớn gây bất lợi cho cây tiêu.

Vì vậy, việc tiêu thoát nước tốt cho vườn tiêu rất quan trọng. Điều này sẽ hạn chế nấm Phytophtora phát triển mạnh, gây hại phần thân ngầm gốc tiêu.

Nhà vườn cần chú ý vun gốc, không để nước đọng trong gốc tiêu dưới các cơn mưa lớn. Bà con cần lưu ý chỉ nên thực hiện việc vun gốc này vào các lúc tạnh ráo ở đầu mùa mưa.

Lúc vun gốc nên cẩn thận để hạn chế việc làm đứt rễ tiêu. Đồng thời, Không nên làm cỏ trắng trong vườn tiêu mà chỉ nên làm sạch cỏ trong gốc. Bà con cũng nên giữ các thảm cỏ hoặc thảm cây che phủ giữa hai hàng tiêu vì sẽ góp phần hạn chế sự lây lan các loại sâu bệnh nguy hiểm trong đất.

Do hệ rễ hồ tiêu rất mẫn cảm với phân bón và dễ bị các nấm bệnh tấn công trong mùa mưa nên bón phân cần hợp lý. Ảnh: Hồng Huệ.

Do hệ rễ hồ tiêu rất mẫn cảm với phân bón và dễ bị các nấm bệnh tấn công trong mùa mưa nên bón phân cần hợp lý. Ảnh: Hồng Huệ.

Trong việc sử dụng thuốc BVTV, bà con không nên phun thuốc định kỳ mà chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" và ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học.

Nên thường xuyên dùng các chế phẩm sinh học hoặc các chế phẩm vi sinh đối kháng để phòng trừ các dịch hại nguy hiểm trên cây tiêu như chế phẩm Chitosan, chế phẩm Trichoderma, Pseudomonas, Metarrhizium….

Về phân bón, theo các nhà vườn có thâm niên với cây hồ tiêu, thì việc bón phân hữu cơ là rất cần cho cây tiêu. Tuy nhiên, nếu bón phân chuồng chưa hoai mục lại là yếu tố gây hại cho rễ cây, và là nguồn phát sinh nấm bệnh cho cây.

Để hướng tới một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học và quản lý dịch hại trên hồ tiêu có hiệu quả, các nhà khoa học khuyến cáo, bà con nhà vườn chú ý chế độ bón phân cho hồ tiêu như sau:

Bón phân hữu cơ cho hồ tiêu từ 1-2 lần/năm. Bà con chỉ nên dùng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh chế biến như Đầu Trâu Organic Đa dụng, hoặc phân hữu cơ vi sinh Đầu Trâu, HCMK 7, HCMK8.

Đây là các loại phân hữu cơ có phối trộn các dòng vi sinh vật hữu ích và vi sinh vật đối kháng với vi sinh vật gây bệnh trong đất như Bacillus sp, Trichoderma sp, Pseudomonas putida... rất tốt cho việc phòng trừ bệnh hại nguy hiểm cho hồ tiêu.

Nhà vườn cần chú ý vun gốc, không để nước đọng trong gốc tiêu dưới các cơn mưa. Ảnh: Hồng Huệ.

Nhà vườn cần chú ý vun gốc, không để nước đọng trong gốc tiêu dưới các cơn mưa. Ảnh: Hồng Huệ.

Với phân khoáng cần bón phân NPK có phối trộn trung vi lượng, với lượng Bón 0,8 - 1,2 kg/trụ/năm tùy năng suất tiêu. Lượng phân NPK này chia làm 4 - 5 lần bón trong năm.

Cụ thể, trong thời kỳ tiêu ra hoa, dùng các công thức 16-16-8 TE hoặc Đầu Trâu tăng trưởng 19-12-6 TE. Trong thời kỳ nuôi trái, dùng công thức Đầu Trâu chuyên dùng cho hồ tiêu 19-9-19-TE hoặc Đầu Trâu chắc hạt 16-6-19 TE, mỗi lần bón từ 200 - 250g/trụ.

Do hệ rễ hồ tiêu rất mẫn cảm với phân bón và dễ bị các nấm bệnh tấn công trong mùa mưa nên bón đúng cách rất quan trọng. Bà con cần tránh bón phân quá sát gốc tiêu hay bón với lượng bón quá nhiều.

Khi bón, bà con nên chia nhỏ lượng bón, và rãi phân trên mặt, không đào rãnh lấp. Đối với phân khoáng NPK nên bón với tỉ lệ cân đối cả về đa, trung vi lượng để đảm bảo cây sinh trưởng khỏe, có thể chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn, đạt năng suất ổn định qua các năm.

Xem thêm
Hơn 1,5 triệu vỏ chai, 4 tấn bao bì thuốc BVTV được thu gom, xử lý

Năm 2024, Công ty Tân Thành thu gom 1,5 triệu vỏ chai, 4 tấn vỏ gói. Tổng kinh phí thu đổi là 2 tỷ đồng, hạn chế được 90 tấn rác thải ra môi trường.

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?