| Hotline: 0983.970.780

Bệnh hồ tiêu diễn biến phức tạp

Thứ Ba 19/01/2016 , 07:01 (GMT+7)

Tình hình bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi diện tích hồ tiêu đã vượt gấp đôi quy hoạch của Bộ NN-PTNT.

Theo Cục BVTV, đến cuối năm 2015, bệnh chết nhanh, chết chậm theo thống kê sơ bộ đã gây hại trên tổng diện tích hơn 10.300 ha, chiếm 13% tổng diện tích hồ tiêu của vùng Tây Nguyên, trong đó khoảng 73ha đã bị chết hoàn toàn.

Chủ trì cuộc họp với các tổ công tác phòng chống dịch bệnh trên thanh long, nhãn và hồ tiêu ngày hôm qua (18/1), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Diện tích nhiễm bệnh trên đây chỉ là con số chưa sát với tình hình thực tế do số liệu thống kê của các tỉnh Tây Nguyên chưa có tổng hợp chính thức.

Theo ông Doanh, qua kiểm tra tình hình thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, hiện tình hình bệnh chết nhanh chết chậm gây hại là ở mức độ nghiêm trọng, con số nhiễm bệnh và thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều, nhất là tại ba tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông. Đa số các vùng hồ tiêu bị thiệt hại thuộc các vùng SX của đồng bào dân tộc, trình độ canh tác và phòng trừ bệnh hạn chế.

Đáng lo ngại, do giá hồ tiêu thời gian qua rất cao nên nông dân ồ ạt mở rộng diện tích bằng mọi giá mà không cần để ý tới kỹ thuật canh tác và phòng trừ bệnh, đặc biệt là chất lượng nguồn giống đã vượt khỏi sự kiểm soát. Theo thống kê sơ bộ, diện tích hồ tiêu của Tây Nguyên hiện đã lên tới trên 100 nghìn ha, tăng gấp đôi so với quy hoạch của Bộ NN-PTNT tới năm 2020.

Đối với bệnh đốm nâu hại thanh long, đến cuối năm 2015 dịch đã được không chế tốt. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá: Bên cạnh sự vào cuộc hiệu quả của cơ quan khoa học, quản lí thuộc Bộ NN-PTNT, việc chính quyền địa phương, mà điển hình là tỉnh Bình Thuận vào cuộc quyết liệt là yếu tố quan trọng góp phần dập tắt được dịch một cách hiệu quả.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó GĐ Viện KHNN Việt Nam, lo ngại: Trong khi bệnh diễn biến phức tạp thì sự vào cuộc của chính quyền và ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên nhiều nơi còn thờ ơ lơ là, việc tuyên truyền quy trình SX, phòng trừ bệnh cho nông dân rất hạn chế, nhất là thiếu sự liên kết thống nhất chỉ đạo giữa cơ quan khoa học và cơ quan quản lí nhà nước.

Do việc nghiên cứu nguyên nhân và quy trình phòng trị bệnh còn hạn chế nên có tình trạng mỗi địa phương đang nhen nhóm việc tự đưa ra một quy trình phòng trị riêng, sử dụng mỗi loại thuốc BVTV khác nhau nhưng thực tế không hiệu quả.

“Một số nơi cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo bệnh chỉ phát sinh trong mùa khô chứ không phải mùa mưa nên nông dân thấy hồ tiêu có biểu hiện bệnh vẫn bình chân như vại, vì nghĩ rằng đến mùa mưa thì sẽ xanh tốt trở lại. Thế nhưng thực tế lại không phải thế, bởi bệnh chết nhanh chết chậm có nguy cơ quanh năm, muốn phòng bệnh mỗi năm phải đều đặn xử phòng bệnh cả 2 mùa mưa lẫn khô” – ông Sơn lo lắng. 

Ông cho rằng, thời gian tới, giải pháp canh tác nhằm chủ đồng phòng bệnh vẫn phải là hàng đầu, nhất là cần cải tạo độ pH đất, bón vật liệu hữu cơ tăng cường, xử lí đất sớm theo định kỳ đầu mùa khô – mùa mưa, xử lí tuyến trùng, bón giảm đạm…

Trước diễn biến phức tạp của bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị thời gian tới, Cục BVTV phải dứt khoát rà soát, đánh giá lại chi tiết tình hình dịch bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu tại từng tỉnh Tây Nguyên, đồng thời phân loại rõ mức độ bệnh của từng địa bàn.

Đồng thời, trước ngày 25/1/2016, phải hoàn thiện quy trình phòng chống bệnh thống nhất áp dụng cho tất cả các địa phương, triển khai phối hợp với các địa phương và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu cho nông dân.

Cùng với bệnh chết nhanh chết chậm, bệnh chổi rồng trên nhãn cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn. Theo Cục BVTV, đến nay, diện tích nhãn nông dân ĐBSCL đã phá bỏ đã lên tới trên 9.000 ha, trong đó nhiều diện tích bị chặt bỏ do bệnh chổi rồng gây hại nặng.

Việc giá nhãn thấp trong năm 2015 cũng khiến nông dân bỏ bê, không đầu tư chăm sóc khiến tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh trong năm 2016…

Trước tình hình này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo Cục Trồng trọt phải gấp rút đánh giá lại tình hình dịch bệnh, thống nhất về giải pháp, quy trình phòng trị bệnh để các địa phương triển khai thống nhất. Đồng thời, rà soát lại nguyên nhân của việc giảm diện tích nhãn, trong đó diện tích bị nhiễm bệnh phải chặt bỏ cụ thể ra sao…

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.