| Hotline: 0983.970.780

Quận và huyện 'kết nghĩa anh em'

Thứ Năm 20/10/2016 , 13:15 (GMT+7)

Nông thôn mới (NTM) không chỉ là việc của các huyện ngoại thành mà còn là trách nhiệm của các quận nội thành phải tham gia, ghé vai vào giúp sức.

15-17-36_dsc_5070
Một trường mẫu giáo ở huyện Đan Phượng
 

Cách “kết nghĩa anh em” giữa các quận và huyện trong xây dựng NTM ở Hà Nội thực sự là một sáng tạo…

Hà Nội hiện có 18 huyện, thị xã và 12 quận. Trong 18 huyện có 6 huyện đã đạt NTM hoặc ngấp nghé đạt NTM gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Sơn Tây nên chỉ còn 12 huyện cần sự giúp đỡ. Số lượng huyện rất vừa vặn với số quận.

Tuy nhiên không vì thế mà áp đặt, chia mỗi quận phụ trách giúp đỡ một huyện cố định mà vừa phân công vừa vận động, không hạn chế sự giúp đỡ, đóng góp cũng như địa bàn đóng góp. Một quận có thể đóng góp cho nhiều huyện và ngược lại một huyện có thể nhận sự đóng góp của nhiều quận.

Sự giúp đỡ này không phải chỉ bằng tiền mà bằng các công trình cụ thể. Ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội giải thích rằng trong sự “kết nghĩa” quận huyện này, huyện vui là bởi mặt bằng chung thu nhập của nông thôn vẫn thấp, chỉ bằng 1/3 thành thị.

Nhưng cũng chính ở nông thôn lại có những xã diện tích lớn gấp 3-4 lần diện tích một quận nội đô. Kinh phí đâu cho xuể mà xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho NTM dàn trên một mặt bằng rộng như vậy?

Trong khi đó, các quận lại có nhiều nguồn thu (nhất là từ thuế), lại không phải lo xây dựng NTM trên địa bàn nên nguồn lực khá dồi dào, sẵn lòng giúp đỡ các huyện. Nơi cần, nơi sẵn, mọi thứ chỉ chờ một kênh kết nối từ Ủy ban nhân dân thành phố, từ Thành ủy là thành công.

Trao đổi với báo giới, Bí thư Huyện ủy Ba Vì, ông Hà Xuân Hưng cho biết đối với các huyện việc cân đối ngân sách là rất khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM hiện nay ở địa phương chủ yếu trông mong từ việc đấu giá đất.

15-17-36_dsc_5075
Một trường mẫu giáo ở huyện Đan Phượng
 

Tuy nhiên, thị trường đất đai hiện tại không còn thuận lợi, giá bán cũng không còn cao nữa. Thêm vào đó là quy trình đấu giá rườm rà, thường mất nhiều thời gian. Huyện chưa được tăng cường phân cấp trong việc xác định địa điểm quy hoạch, chỉ giới, giá khởi điểm, diện tích được phép tổ chức đấu giá...

Ngoài kiến nghị tháo gỡ về thủ tục cũng như diện tích được phép tổ chức đấu giá, các huyện rất cần thành phố điều tiết về nguồn lực xây dựng NTM.

Giai đoạn 2011-2015, Ba Vì đã nhận được hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ từ 10 quận nội thành để xây dựng 41 nhà văn hóa. Đây thực sự là một món quà quý đối với Ba Vì và được người dân trong huyện rất cảm kích.

Ghi nhận, khuyến khích những sự giúp đỡ kiểu này, Hà Nội vừa qua cũng đã có văn bản biểu dương đợt 1 các quận đã đăng ký hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng 46 nhà văn hóa thôn tại 3 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai.

Theo đó 12 quận nội thành đã vào cuộc, góp hơn 92 tỷ đồng để xây ựng công trình, còn các huyện tự thu xếp kinh phí bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khách quan mà nói, sự đóng góp này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm lực kinh tế của các quận nội thành.

Thủ đô Hà Nội cũng đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 80% trở lên số xã đạt chuẩn NTM (tương ứng với khoảng 300 xã) và có 15 huyện, thị xã trở lên đạt NTM với bình quân thu nhập của dân nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên.

Thực tế cho thấy, càng về sau việc thực hiện xây dựng NTM tại các xã, các huyện lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều kinh phí hơn.

Bởi thế, để đạt được mục tiêu này, ngoài việc xã hội hóa, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Thành ủy đã yêu cầu các Quận ủy phải có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho các huyện thực hiện xây dựng NTM.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.