| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Cá lồng Châu Hóa bắt đầu có thương hiệu

Thứ Tư 29/04/2020 , 16:06 (GMT+7)

Vùng quê nghèo Châu Hóa ở ven sông Gianh đã phát triển nghề nuôi cá lồng cho thu nhập khá, giúp người dân thoát nghèo…

Cá lồng của người dân Châu Hóa trên sông Gianh. Ảnh: Việt Khánh.

Cá lồng của người dân Châu Hóa trên sông Gianh. Ảnh: Việt Khánh.

Xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình) nằm ven sông Gianh. Người dân ở đây chỉ có nghề chủ yếu là trồng trọt và còn phụ thuộc vào yếu tố thiên tai nên đời sống còn nhiều vất vả.

Những năm gần đây, phát huy được thế mạnh có chiều dài ven sông Gianh nên bà con phát triển được nghề nuôi cá lồng. Từ ban đầu khó khăn, bỡ ngỡ, đến lúc có thu nhập khá và ổn định khiến nhiều người hồ hởi làm theo.

Ban đầu một vài hộ học tập kinh nghiệm ở những nơi khác về thực hiện nuôi cá lồng trên sông có được thu nhập nên nhiều người học làm thử.

Được vài năm, số người thực hiện nuôi cá lồng lên đến hàng chục với cả trăm lồng thì chính quyền địa phương bắt đầu có định hướng để phát triển bền vững và đưa tiến bộ kỹ thuật về cho bà con. Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho hay: “Chúng tôi có chủ trương thành lập hợp tác xã nuôi trồng và khai thác rồi vận động bà con tham gia”.

Mỗi lồng cá cho thu nhập trên 15 triệu đồng/năm. Ảnh: Việt Khánh.

Mỗi lồng cá cho thu nhập trên 15 triệu đồng/năm. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng và khai thác thủy sản Bình Minh cho biết, ở thôn Kinh Châu (xã Châu Hóa), thì nghề làm ruộng là chính. Trước đây, người dân mạnh ai nấy làm, ai muốn nuôi gì thì nuôi, lời ăn lỗ chịu, được mất đều nhờ trời.

Thấy được tiềm năng nuôi trồng thủy sản, từ năm giữa năm 2018, xã đứng ra vận động bà con thành lập HTX (23 hộ gia đình tham gia), với mục đích để liên kết sản xuất. “Từ khi HTX được thành lập, người dân mới được tập huấn về các kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá. Từ đó, việc nuôi trồng ngày càng có hiệu quả”, ông Minh nói.

Từ vài lồng cá ban đầu, đến nay, Châu Hóa có trên 100 lồng nuôi các loại cá trắm cỏ, cá rô phi, cá chép, cá lăng chấm…

Theo bà con, mỗi lồng cá (có thể tích khoảng 18 m3), chi phí khoảng 20 triệu đồng. Khi thả cá giống (trắm cỏ) tùy theo năng lực lao động mà tăng số lượng cá. Ông Minh cho hay: “Đó là tùy vào người lao động trong gia đình vì có nhiều người thì việc chăm cá, kiếm cỏ làm thức được nhiều hơn”. Mỗi lồng có thể ban đầu thả từ 300 - 800 con giống.

Vì đặc tính cá trắm cỏ không ăn thức ăn chế biến hoặc nông sản mà chỉ có cỏ trên cạn, cỏ dưới nước và một số lá cây trồng như sắn, bí… Vì vậy, các gia đình phải bỏ công đi bứt, kiếm về làm thức ăn cho cá.

Thời gian thả được một năm thì có thể bán được. Nhiều gia đình nuôi đến hai năm cho cá có độ lớn và thị trường ưa thích hơn. Trung bình cá nuôi hai năm đạt trọng lượng 5-7 kg/con.

Theo ông Ninh, trung bình mỗi lồng cá cho thu lãi trên 15 triệu đòng. “Nếu gia đình có hai lồng thì cũng được hơn 30 triệu đồng. Đó là số tiền không hề nhỏ đối với người dân vùng khó như chúng tôi”, ông Minh nhìn nhận.

Từ đầu năm 2019, các hộ dân trong HTX được Dự án Giảm nghèo bền vững về tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống cá lăng chấm đưa vào nuôi thử nghiệm. Dù đây là lần đầu tiên, người dân đưa một giống cá mới vào nuôi, nhưng kết quả cho thấy rất khả quan.

Tuy nhiên, cá lăng chấm lại nuôi bằng thức ăn chế biến hoặc phải mua nên chi phí ban đầu cũng đáng kể. Tính trung bình mỗi năm, mỗi lồng cá lăng cho thu khoảng 35 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn gần 20 triệu đồng. Còn lại cho lãi trên 15 triệu đồng.

Bây giờ, nhiều hộ nuôi cá lồng ở Châu Hóa đã được thương lái đặt trước vụ mua. Khi đến kỳ thu hoạch là họ đến mua nguyên toàn bộ số cá trong lồng. Ông Nguyễn Văn Thế, một chủ lồng cá bộc bạch: “Như vậy là người ta đã biết đến được cá lồng Châu Hóa có chất lượng thịt chắc, thơm ngon nên mua với số lượng nhiều đó”.

Ông Hoàng Văn Minh vừa cho cá ăn cỏ vừa kiểm tra đàn cá trong lồng của gia đình. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Hoàng Văn Minh vừa cho cá ăn cỏ vừa kiểm tra đàn cá trong lồng của gia đình. Ảnh: Việt Khánh.

“Chúng tôi hy vọng, sắp tới, không chỉ cá lăng chấm, mà sẽ có nhiều giống cá mới được đưa về nuôi. Người dân trong HTX có nhiều sự lựa chọn hơn, góp phần nâng cao đời sống cho bà con”, ông Minh kỳ vọng.

Dù chỉ mới là ban đầu, nhưng người dân Châu Hóa cũng đã xác định được hướng đi mới trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã cho hay, đó cũng là tiền đề cho việc phát triển ngành nghề ở địa phương.

“Trong thời gian tới, chúng tôi quan tâm đến việc nuôi trồng bền vững, có lối ra tiêu thụ sản phẩm rộng cho bà con và duy trì thu nhập ổn định. Từ trên cơ sở này, Châu Hóa sẽ có kế hoạch cụ thể để mở rộng, phát triển mạnh hơn nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh và hướng sản phẩm chất lượng cao”, ông Hoàng nói.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.