| Hotline: 0983.970.780

Làng biển nghèo tiến bước nông thôn mới

Thứ Hai 13/04/2020 , 13:10 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nói: “Vượt lên khó khăn, thử thách, xã biển chúng tôi phấn đấu cán đích nông thôn mới sớm đó”.

Một góc khu dân cư mới xã biển Nhân Trạch trong quá trình xây dựng NTM. Ảnh: TP.

Một góc khu dân cư mới xã biển Nhân Trạch trong quá trình xây dựng NTM. Ảnh: TP.

Mỗi năm nhận hơn 200 tỷ đồng kiều hối

Nhớ lại cách đây 5 năm, khi xảy ra sự cố môi trường biển, xã Nhân Trạch đã lâm vào tình thế khó khăn vì thời gian cấm biển quá lâu. Trong  “cái  khó ló cái khôn”, Nhân Trạch chuyển hướng cho con em đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Ông Nguyễn Văn Nghị nhớ lại tại thời điểm đó, mỗi con em đi XKLĐ là cán bộ địa phương ngồi lo lắng, mong chờ kết quả. Vì đó là những lứa đầu tiên người Nhân Trạch đi lao động ở nước ngoài sau khi biển chết.

“Nếu đi hanh thông và có thu nhập cao gửi về, sẽ tạo được phong trào mạnh cho địa phương. Bằng không thu nhập ít, việc làm bấp bênh thì chẳng có ai dám theo nữa”, ông Nghị kể.

Cũng nhờ làm tốt việc thăm dò thị trường và có nhiều thông tin từ con em đã đi XKLĐ trước đó nên lứa con em đầu tiên đi làm việc ở nước ngoài (sau sự cố biển) của xã biển Nhân Trạch có thu nhập cao, ổn định. Vậy là con em trong độ tuổi lao động ở Nhân Trạch tiếp bước nhau, xách va ly đi xuất ngoại.

Cho đến nay, Nhân Trạch có trên 5.200 lao động trong độ tuổi, thì gần 1.800 lao động đang làm ăn ở nước ngoài.

Những năm sau này, người lao động Nhân Trạch hướng đến những thị trường lao động tiềm năng, thu nhập cao, ổn định hơn, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…

Bây giờ, bình quân mỗi năm, xã có trên dưới 100 con em đi XKLĐ. Cũng từ đó hàng năm, tiền con em gửi về cho gia đình lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Chỉ tính riêng năm 2019, số tiền gửi về đạt trên 200 tỷ. Một cán bộ xã cho hay, đó là con số “danh chính ngôn thuận”. Còn số tiền chuyển về theo kiểu “hàng xách tay” thì chưa thống kê hết.

Những năm gần đây, nền kinh tế vùng biển vươn lên trong thấy. Toàn xã có 6 thôn với trên 2.200 hộ thì chỉ còn 20 hộ diện hộ nghèo. Một phần nhờ XKLĐ, phần khác do Nhân Trạch tổ chức lại sản xuất, khai thác biển, dịch vụ nghề biển… nên thu nhập ngày càng cao.

Năm ngoái, tổng thu nhập toàn xã đạt gần 523 tỷ đồng, thu ngân sách trên 75 tỷ đồng và tổng chi gần 48 tỷ đồng, kết số dư 27 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã Nhân Trạch đạt trên 52 triệu đồng/năm.

Mạnh về kinh tế nên khi Nhân Trạch quy hoạch khu dân cư tập trung thì người dân đã đăng ký mua hết đất và xây dựng nhà cửa. Ông Lê Văn Trúc, có ngôi nhà ba tầng mặt tiền ở “khu phố” biển hồ hởi giới thiệu: “Vùng quy hoạch với nhà cửa đồ sộ như thành phố đã khiến bộ mặt nông thôn mới xã chúng tôi khó nơi nào sánh được”.

Nhằm tạo “bệ phóng” phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo địa phương đã thành lập Quỹ tín dụng nhân dân và coi đó như “ngân hàng làng”. Nhờ vậy, con em Nhân Trạch không thiếu vốn làm ăn. Ông Phạm Văn Quảng, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân xã nói: “Hiện tổng nguồn vốn hoạt động của quỹ trên 520 tỷ đồng. Chúng tôi ưu tiên cho người dân vay đi XKLĐ và phát triển ngành nghề, dịch vụ”.

Vùng biển bãi ngang, ngư dân Nhân Trạch phát triển nhiều nghành nghề mới gia tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: TP

Vùng biển bãi ngang, ngư dân Nhân Trạch phát triển nhiều nghành nghề mới gia tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: TP

Quyết tâm cán đích sớm

Sức mạnh kinh tế đã làm thay đổi cơ bản đời sống người dân vùng biển. Đó cũng là lợi thế cho Nhân Trạch bước vào xây dựng nông  NTM. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Khắc Tân cho rằng, từ bước đi ban đầu của làng biển nghèo, qua gần 10 năm, Nhân Trạch đã vươn lên chạm đích NTM là một kết quả to lớn.

Trước hết, phải nói đến sự đóng góp của người dân xây dựng cơ sở hạ tầng NTM. Không chỉ là ngày công hay hiến đất, người dân còn góp hàng chục tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa thôn… Khi phát động làm nhà văn hóa thôn với dự toán mỗi thôn góp hơn 1 tỷ đồng và ngân sách chỉ có một nửa. Vấn đề được đưa họp dân để vận động đóng góp tùy sức.

Ông Lê Văn Trúc, một người dân cho hay: “Chỉ nghe vận động và mọi việc đều công khai, minh bạch là nhân dân ủng hộ hết lòng. Hơn một tháng sau, thôn nào cũng góp đủ và vượt kinh phí xây nhà văn hóa”.

Với những nỗ lực vượt lên khó khăn, Nhân Trạch đã đi từng bước vững chắc. Trong giai đoạn đầu đến năm 2015, xã phấn đấu hoàn thành 12/19 tiêu chí. Từ năm 2016 đến năm 2020 làm nốt 7 tiêu chí còn lại và đây cũng là những tiêu chí “cứng” trong quá trình thực hiện.

Đến cuối năm 2019, Nhân Trạch đã đạt 17/19 tiêu chí NTM. Mục tiêu đặt ra nửa đầu năm 2020 trong xây dựng NTM ở Nhân Trạch là nghiệm thu, đưa vào sử dụng các công trình trường học xây dựng giai đoạn 2016-2018, hoàn thành nhà văn hóa thôn Nhân Hải.

Nói về những tiêu chí này, ông Nguyễn Văn Nghị cho biết là xã sẽ hoàn thành trong tầm tay vì đã chuẩn bị đầy đủ nguồn ngân sách và đang trong giai đoạn thẩm định dự án để bắt tay vào xây dựng.

Nhà văn hóa thôn Nhân Hải được xây dựng cuối cùng trong các thôn do thiếu mặt bằng. Địa điểm xây dựng nhà văn hóa thôn ở vị trí không thuận lợi. Trước đây, vùng đất này hay bị sạt lở. Sau khi dự án kè biển được xây dựng thì mới ổn. Tuy nhiên, do mặt bằng có độ dốc cao nên  phải tăng kinh phí san lấp.

Ông Lê Long, Trưởng thôn Nhân Hải cho hay, riêng kinh phí hoàn thành mặt bằng đã hơn 1 tỷ đồng. “Tuy nhiên, người dân đồng lòng ủng hộ và ngân sách xã hỗ trợ nên không còn lo lắng gì”, ông Long chia sẻ.

Ngư dân vùng biển Nhân Trạch thêm một mùa ruốc biển trúng đậm. Ảnh: TP.

Ngư dân vùng biển Nhân Trạch thêm một mùa ruốc biển trúng đậm. Ảnh: TP.

Từ một xã biển bãi ngang với nhiều khó khăn đặc trưng, Nhân Trạch vươn lên xây dựng NTM với những bản sắc, hồn cốt riêng của đất và người miền biển. Hiện xã đã cơ bản đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, văn minh.

“Khoảng giữa năm 2020 là chúng tôi đủ tiêu chuẩn cán đích NTM, đáp ứng nguyện vọng nhân dân", ông Nguyễn Khắc Tân nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.