| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Mưa ‘thốc’ lũ lên, hơn 11.000 ngôi nhà tái ngập

Thứ Bảy 17/10/2020 , 19:16 (GMT+7)

Nước lũ ngầu đục rồi chuyển qua vàng ệch ngâm dùng dằng chứ không rút. Mưa lớn đổ xuống, đẩy lũ lên thêm làm người dân lâm vào khó khăn…

Lũ ngập tuyến đường tỉnh lộ  chia cắt huyện Lệ Thủy. Ảnh: B.Châu

Lũ ngập tuyến đường tỉnh lộ  chia cắt huyện Lệ Thủy. Ảnh: B.Châu

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay: “Hôm trước, lũ mới có dấu hiệu rút. Nay mưa lớn đã đẩy lũ lên nhanh. Đến trưa hôm nay (17/10), toàn huyện đã có gần 8.000 nhà bị ngập. Nhiều nơi nước ngập sâu gần 1m kéo dài cả tuần nay khiến đời sống người dân lâm vào cảnh cam khổ rồi”.

Lũ lại lên như đò đua…

Đến cuối giờ chiều ngày, toàn tỉnh đã có trên  11.000 nhà ngập trong lũ. Trong đó, chủ yếu tập trung ở huyện Lệ Thủy khoảng 8.000 nhà; huyện Quảng Ninh trên 2.000 nhà...

Nhà dân ở xã Hồng Thủy bị lũ chồng bao vây. Ảnh: B.Châu.

Nhà dân ở xã Hồng Thủy bị lũ chồng bao vây. Ảnh: B.Châu.

Tuyến đường tỉnh lộ đi về huyện Lệ Thủy lại bị lũ nhấn chìm và chia cắt. Ba ô tô vận tải chở hàng hóa cứu trợ vùng lũ lụt của Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình không thể đến được vì lũ dâng ngập đường đành phải quay về thành phố Đồng Hới tránh lũ.

Nước lũ lên nhanh chia cắt, cô lập nhiều địa phương ở Quảng Bình. Ảnh: B. Châu.

Nước lũ lên nhanh chia cắt, cô lập nhiều địa phương ở Quảng Bình. Ảnh: B. Châu.

Riêng tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã bị lũ ngập tại các điểm qua xã Gia Ninh và xã Hồng Thủy. Cơ quan chức năng đang khẩn trương lập chốt cảnh báo nguy hiểm. Trong đêm nay, nếu lũ lên ngập sâu thì phải cấm đường.

Trường Tiểu học Hồng Thủy ngập nước. Ảnh: B. Châu.

Trường Tiểu học Hồng Thủy ngập nước. Ảnh: B. Châu.

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy nước ngập sâu. Trước cổng trường Tiểu học xã Hồng Thủy (Lệ Thủy), ông Phan Văn Phú đội mưa đi thả lưới. Ông Phú nói: “Mấy hôm trước lũ rút rồi. Chỉ qua một đêm mưa lớn, nước đã trào lên lại nên học sinh phải nghỉ học”.

Trong trường, các thầy cô giáo đang bận rộn kê chèn bàn ghế và đưa tài liệu giảng dạy, đồ dùng… lên  bậc cao hơn.

Cây xăng bên Quốc lộ 1A cũng bị lũ ngập. Ảnh: B. Châu.

Cây xăng bên Quốc lộ 1A cũng bị lũ ngập. Ảnh: B. Châu.

Thôn Thượng Hải (xã Hồng Thủy) nước lũ cũng đã dâng ngập hết các tuyến đường liên thôn và tràn vào nhà gần nửa mét. Ông Lê Văn Bồn lội trong nước lũ để về nhà.

“Trời đất chi lạ, lũ cả tuần vậy được rồi. Nghe nói mấy hôm nữa còn mưa lớn. Tui kê tài sản lên cao xong thì lội vô mấy nhà khác để làm giúp. Nhà ai cũng chằng buộc cẩn thận để phòng lũ lên lớn hơn. Coi bộ cái lũ ni to hơn lũ tuần trước đó chớ không xem thường được”, ông Bồn nói như than thở.

Đoạn Quốc lộ 1A qua xã Hồng Thủy bị ngập. Ảnh: B. Châu.

Đoạn Quốc lộ 1A qua xã Hồng Thủy bị ngập. Ảnh: B. Châu.

Các xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy như An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, thị trấn Kiến Giang… cũng đã bị lũ bao vây và ngập hết nhà cửa. Xã An Thủy như nằm ở rốn lũ. Toàn xã có gần 2.700 nóc nhà, hiện lũ thốc lên ngập hơn 1.000 nhà.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Các thôn Thạch Bàn, Phú Thọ… ngập gần như toàn bộ, nhiều nhà ngập trên 1m. Bà con luôn chủ động trong lũ, tuy nhiên, lũ chồng lên lũ và kéo dài thêm tuần lễ thì nhiều gia đình thiếu lương thực, thực phẩm. Chúng tôi cũng đã lên phương án hỗ trợ bà con nếu lũ ngập sâu và kéo dài”.

Lũ cũng đã làm ngập đoạn Quốc lộ 1A qua xã Gia Ninh. Ảnh: B. Châu.

Lũ cũng đã làm ngập đoạn Quốc lộ 1A qua xã Gia Ninh. Ảnh: B. Châu.

Vùng Phong Thủy cũng đang “oằn mình” chống chọi với cơn lũ chồng. Toàn xã có hơn 2.000 nóc nhà thì đã có đến 1.600 nhà tái ngập.

Ông Đặng Văn Hậu (thôn Đại Phong - Phong Thủy) chống đò đi qua nhà hàng xóm về, cởi áo mưa ca cẩm: “Gần tuần nay ngồi trên thuyền, chân không chạm đất. Tưởng lũ rút để mà dọn nhà cửa cho sạch sẻ là làm mùa. Ai dè lũ lên ngược nhanh như đò đua. Nước bao quanh, không đi đâu được, mấy đứa nhỏ réo đòi ăn rau. May có buồng chuối xanh ngoài vườn ngập nước tui cắt vào kho ăn đỡ”.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy chia sẻ: “Cả tuần bà con quá vất vả rồi. Thông thường, lũ chỉ ngâm đôi ba ngày là rút cạn. Bữa nay lại thêm cơn lũ chồng lên, nếu kéo dài sẽ làm bà con kiệt sức và lâm vào thiếu đói. Khi đó cần phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài vào mới giải quyết được”.

Nước lũ lên nhanh khiến nhiều khu dân cư bị ngập sâu. Ảnh B. Châu.

Nước lũ lên nhanh khiến nhiều khu dân cư bị ngập sâu. Ảnh B. Châu.

Trước diễn biến bất thường của mưa lũ, huyện Lệ Thủy cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp, phương án phòng, chống, đối phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay, lãnh đạo địa phương được giao phụ trách các địa bàn đã bám sát để chỉ đạo.

“Những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét… chúng tôi có kế hoạch tiếp cận, cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân. Ngoài ra, huyện sẵn sàng di dời người dân vùng bị ngập nặng đến nơi an toàn khi có yêu cầu khẩn cấp”, ông Lê Văn Sơn nói.

Nhà người dân ở xã Phong Thủy đã bị lũ làm ngập lần thứ 2. Ảnh: B. Châu.

Nhà người dân ở xã Phong Thủy đã bị lũ làm ngập lần thứ 2. Ảnh: B. Châu.

Tại huyện Quảng Ninh, cũng đã có hơn 2.000 nhà bị ngập trở lại. Lũ tái bao vây nhấn chìm các xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh. Đã có 112 thôn bản bị lũ chia cắt.

Xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) tiếp tục bị lũ ngập uy hiếp. Ảnh: B. Châu.

Xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) tiếp tục bị lũ ngập uy hiếp. Ảnh: B. Châu.

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, đang theo dõi sát diễn biến phức tạp của thời tiết để chỉ đạo ứng phó kịp thời.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương thực hiện phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân ở những vùng bị chia cắt, cô lập”.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.