Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, để có được kết quả tốt, đơn vị đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, việc đánh dấu nhận biết tàu cá, lắp đặt, quản lý thiết bị giám sát hành trình tàu cá cũng là một điểm nhấn.
Qua công tác vận động, chỉ trong thời gian ngắn, các chủ tàu cá từ 12m trở lên đã thực hiện sơn đánh dấu tàu cá được 1.360 chiếc (đạt trên 70% tổng số tàu). Trong đó, huyện Bố Trạch đã thực hiện tốt nhất, đạt trên 94% số tàu. Riêng nhóm tàu cá dưới 12m, chủ yếu là bơ nan, tàu công suất nhỏ hoạt động vùng biển ven bờ rất khó thực hiện việc sơn đánh dấu theo quy định.
Cũng theo ông Linh, việc cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch cũng đã được khẩn trương thực hiện để hỗ trợ ngư dân yên tâm ra khơi. “Sở Nông nghiệp - PTNT đã tham mưu UBND tỉnh công khai hạn ngạch. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thông báo cho các chủ tàu biết để thực hiện cấp hết 1.043 giấy phép khai thác thuỷ sản vùng khơi theo đúng quy định”- ông Linh nói..
Công tác kiểm tra tàu cá xuất bến, cập cảng cũng đã được triển khai nghiêm và đúng quy trình. Để phù hợp với điều kiện, đặc thù nghề cá của địa phương, tỉnh Quảng Bình giao Sở Nông nghiệp - PTNT thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá. Sau khi thành lập, Văn phòng đã ban hành quy chế làm việc, quy trình kiểm tra để triển khai thực việc kiểm soát tàu cá nhập cảng tại cảng cá Nhật Lệ, Sông Gianh, xuất bến tại cửa sông Nhật Lệ, Gianh, Roòn.
Từ năm 2020 đến nay, Văn phòng đã kiểm tra trên 3.300 lượt tàu, trong đó có gần 2.300 lượt tàu xuất bến, trên 1.000 lượt tàu cá cập cảng. Việc kiểm tra tàu cá xuất bến được Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp - PTNT ghi nhận, đánh giá cao.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản, vi phạm khai thác IUU, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý. Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Quảng Bình cho rằng: “Kiểm tra chặt, xử lý nghiêm cũng là giải pháp mạnh để góp phần tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC”.
Với quyết tâm đó, Sở Nông nghiệp - PTNT Quảng Bình chỉ đạo tổ chức 34 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua đó, phát hiện và xử lý 122 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng tịch thu 29 bộ kích điện mà ngư dân sử dụng để đánh bắt có tính hủy diệt.
Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã thực hiện kiểm tra hoạt động khai thác thuỷ sản tại vùng nước nội địa trên địa bàn. Trên 30 trường hợp vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Ông Lê Văn Lợi trao đổi: “Chúng tôi không chỉ kiểm tra, phát hiện, xử lý mà chú trọng lồng ghép với công tác tuyên truyền, cho ngư dân tự nguyện cam kết không tái phạm. Hướng dẫn ngư dân chấp hành đúng các quy định về khai thác thuỷ sản. Chính nhờ đó đã hạn chế được tình hình vi phạm”.
Qua công tác kiểm tra, xử lý và ngư dân đã nâng cao ý thức nên việc vi phạm đã giảm nhiều so với thời gian trước đây. Tình trạng tàu giã cào khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ đã giảm hẳn. Trong năm qua, không còn ý kiến phản ánh của ngư dân về hiện tượng này.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình chủ động tổ chức các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá. Từ công tác kiểm tra, đã phát hiện, xử lý 75 vụ/83 tàu cá vi phạm, xử phạt hành chính gần 600 triệu đồng.
Cũng trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán , vận chuyển thuốc nổ. Đã chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xử lý hình sự 4 vụ/9 đối tượng hành vi vận chuyển, tàng trữ chất nổ. Tang vật thu được gồn 280 kg thuốc nổ, trên 1.300 kíp nổ, 171 m dây cháy chậm. Với những biện pháp quản lý mạnh, tình trạng ngư dân sử dụng chất nổ để khai thác trên biển đã từng bước được hạn chế cơ bản.