| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi: Nhiều địa phương thất thu vụ đông xuân

Thứ Tư 01/02/2023 , 15:15 (GMT+7)

Mưa kéo dài khiến nhiều diện tích rau vụ đông xuân của người dân Quảng Ngãi bị ngập nước, hư hỏng....

Empty

Mưa kéo dài khiến nhiều diện tích trồng rau của người dân Quảng Ngãi bị dập nát, hư hỏng. Ảnh: L.K.

Xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) là 1 trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với hàng trăm hộ dân làm nghề trồng rau. Tại đây, rau được người dân xuống giống quanh năm ngoại trừ những tháng mưa bão. Trong các vụ sản xuất thì vụ đông xuân là vụ rau được người dân kỳ vọng nhất khi sản phẩm làm ra sẽ cung ứng cho thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Mặc dù vậy, năm nay thời tiết không ủng hộ khiến cho hầu hết các hộ trồng rau ở xã Nghĩa Dũng bị thiệt hại, thua lỗ. Các loại rau củ sau khi xuống giống gặp trời mưa kéo dài nên chậm phát triển, năng suất giảm mạnh; một số vùng trũng ngập nước không thể canh tác.

Chị Nguyễn Thị Hoa (trú thôn 6, xã Nghĩa Dũng) cho hay, vào tháng 11 âm lịch năm ngoái, gia đình chị thuê 3 sào (sào 500m2) đất của người dân địa phương với giá 3 triệu đồng/sào/năm để trồng rau cải ngọt. Trung bình mỗi sào, chị Hoa đầu tư tiền giống, phân bón, thuốc, công chăm sóc hết khoảng 2 triệu đồng. Thế nhưng, thời tiết không thuận lợi khiến toàn bộ diện tích trồng rau của chị bị dập nát, hư hỏng.

Empty

Ảnh hưởng của thời tiết cùng với giá rau hạ khiến cho người trồng rau ở Quảng Ngãi thất thu trong vụ đông xuân. Ảnh: L.K.

“Lứa rau vừa rồi tôi xuống giống với hy vọng bán lấy tiền tiêu Tết nhưng mất trắng. Bây giờ, tranh thủ thời tiết khô ráo nên nhà tôi mới trồng lại lứa rau mới mong gỡ gạc những gì đã mất. Nhưng bây giờ cũng khó quá vì giá rau xuống thấp, bán cũng đủ bù chi phí. Không biết nửa tháng tới, khi vườn rau của tôi cho thu hoạch giá cả có nhích lên được chút nào không”, chị Hoa than thở.

Theo người dân địa phương, vụ rau đông xuân ở xã Nghĩa Dũng thường bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch. Đây là thời điểm kết thúc mùa mưa bão, trời se lạnh, chủ yếu là mưa phùn rất thích hợp cho cây rau phát triển. Khác với các năm trước thì năm nay từ tháng 11 đến đầu tháng giêng âm lịch trời vẫn mưa nhiều dẫn đến tình trạng thất người trồng rau thất thu như năm nay.

Nếu như thời điểm này vào những năm trước, đi dọc các cánh đồng trồng rau ở xã Nghĩa Dũng đều xanh mơn mởn của nhiều loại rau quả khác nhau như xà lách, cải, ngò rí, diếp cá, tần ô… thì năm nay cả cánh đồng là hình ảnh loang lổ; một số đám vừa mới làm đất, đám khác rau vừa lên lú nhú, nhiều vùng trũng vẫn còn ngập nước. Người trồng rau đã buồn lại thêm buồn khi giá cả các loại rau cũng xuống thấp.

Empty

Nhiều ruộng rau đến nay vẫn còn trong tình trạng ngập nước, chưa thể canh tác. Ảnh: L.K.

Vừa qua, gia đình ông Nguyễn Công Lâm (trú thôn 6, xã Nghĩa Dũng) xuống giống 10 sào rau các loại gồm xà lách, cải, ngò rí. Cũng như những hộ khác trong thôn, mưa nhiều khiến cho 4 sào rau nhà ông bị hư hỏng, không thể thu hoạch. Diện tích còn lại cũng phát triển rất chậm đến khi thu hoạch thì thương lái cũng đến thu mua với giá rất thấp, trung bình từ 1.500 đồng đến 5.000 đồng/kg tùy từng loại rau.

“Giá cao nhất là cây xà lách được 5.000 đồng/kg thì cũng chỉ đủ bù chi phí, lấy công làm lãi. Còn như cây ngò rí thì lỗ nặng. Riêng tiền công thu hoạch 1 buổi cũng mất 120.000 đồng mỗi người rồi. Trong khi đó mỗi buổi cũng chỉ nhổ được 40 – 50kg mà giá bán 1.500 đồng/kg thì chỉ có lỗ. Vậy nên vừa rồi tôi phải chấp nhận nhổ bỏ hơn 1 sào để trồng lại cây cải thìa. Nói chung, năm nay dân trồng rau chúng tôi ai cũng lỗ cả”, ông Lâm nói.

Cách đó không xa, anh Lê Văn Hận cũng đang tỉa lại ruộng rau xà lách vừa mới xuống giống lại được hơn nửa tháng rầu rĩ cho biết: “Vừa rồi tôi trồng 3 sào rau xà lách nhưng thời tiết xấu nên năng suất giảm mạnh. Nếu như bình thường, mỗi sào thu được khoảng 1 tấn rau thì vụ vừa rồi chỉ thu được gần 80kg. Lứa này bây giờ cũng không lên nổi, tới đây mà trời khô ráo thì còn đỡ chứ mưa thì chắc cũng bỏ”.

Ông Nguyễn Hiệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dũng cho hay, Toàn xã hiện nay có khoảng 90ha chuyên canh rau. Thời tiết mưa lạnh kéo dài đã khiến cho nhiều diện tích bị ảnh hưởng, sản lượng giảm sút. “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND xã để thống kê diện tích bị thiệt hại. Hiện, chúng tôi đã khuyến cáo bà con tranh thủ trời năng ráo để thu hoạch những diện tích còn sót lại đồng thời theo dõi tình hình thời tiết để xuống giống vụ mới đạt hiệu quả”.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.