| Hotline: 0983.970.780

Dễ thương những vườn rau dịp Tết

Chủ Nhật 29/01/2023 , 15:32 (GMT+7)

PHÚ YÊN Không trồng rau quanh năm, nhưng như thường lệ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người dân lại chủ động tận dụng những mảnh đất trống để trồng rau phục vụ dịp Tết.

Sân đất trước nhà, vạt đất sau hè... cả năm bỏ đất trống, đến tháng Chạp được lên luống gieo xà lách, tần ô, rau cải, hành, ngò…

Phong trào trồng rau tại nhà để tự phục vụ bữa ăn hàng ngày tại hộ gia đình giúp nhiều ngôi nhà ở nông thôn vừa có một màu xanh dịu dàng như phơi một mùa xuân, vừa có rau, trái cải thiện bữa ăn.

r

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nông dân lại tận dụng mọi khoảng đất trồng để trồng rau. Ảnh: MHN.

Vườn rau dinh dưỡng

Chiều, chị Nguyễn Thị Điệp ở xã An Định, huyện Tuy An (Phú Yên) múc nước tưới cho vườn rau trồng trước nhà với đủ các loại rau. Chị bảo: "Nhà tôi không trồng rau quanh năm mà chỉ trồng rau trong dịp Tết. Đầu tháng Chạp thì gieo giống, với đủ các loại rau, từ ngò, cải, tần ô, xà lách, hành... Ở đây có truyền thống trồng rau ăn Tết, nếu không trồng rau là thấy một cái Tết không đầy đủ".

Gần đó, khu vườn của gia đình ông Lê Văn Nghĩa cũng xanh non những luống rau “dễ thương”, dọc bờ rào, khổ qua, dưa leo, đậu que ra bông vàng ươm. Vườn rau của ông Nghĩa cũng là phong trào trồng rau ăn Tết của nhiều gia đình ở vùng nông thôn, nhà nào cũng đều có vườn rau xanh, nào cải, xà lách, diếp cá, cà chua... nhìn rất dễn thương.

Ông Nghĩa kể: Để có nguồn thực phẩm sạch tại nhà, nhiều gia đình trồng rau xanh và đã trở phong trào “Vườn rau dinh dưỡng” tại hộ gia đình. Rau không bón phân hóa học, chỉ bón phân chuồng, tro bếp. Vườn rau như chợ rau xanh trong nhà, chiều ra ngắt rổ rau tần ô, ngò, cải cay, xà lách, húng đứng, húng lủi... ăn kèm với thịt heo, dưa món, ngốn tràm miệng ngon ơi là ngon!

r1

Những giàn rau Tết mang nhiều nhớ thương cho người đi xa trở về. Ảnh: MHN.

Dọc theo tuyến đường đi qua huyện Đồng Xuân (Phú Yên), nhà nào cũng trồng vài luống rau gồm hành, ngò, tần ô, xà lách… xanh non trên doi đất trống. Chị Bùi Thị Thanh ở thôn Tân Bình, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đang ngắt mớ rau ngoài vườn cho biết: Gần như nhà nào cũng trồng rau ăn Tết, nhiều nhà có cánh đồng rau xanh. Bữa cơm ngày giáp Tết toàn thịt, có rau sống ăn không thấy ớn thịt.

Xã Xuân Sơn Bắc chạy dọc theo sông Cái (sông Kỳ Lộ), mùa mưa bão, nước từ sông Cái tràn vô gây ngập lụt thường xuyên nên nhà nước hỗ trợ xây nhà tránh lũ. Chị Bùi Thị Thanh khi xới vạt đất bên hông nhà trồng rau nhưng không yên tâm do sợ nước lụt “ăn” mất nên chị đành lấy mấy chiếc xoong chảo sứt quai để trồng thêm hành, ngò...

r2

Người dân tận dụng mọi dụng cụ có thể để trồng rau dịp Tết. Ảnh: MHN.

Chị Bùi Thị Duyên ở phường 2, TP Tuy Hòa trên đường về thăm quê ở huyện Đồng Xuân thấy luống rau “dễ thương”, ghé vào nhìn đăm chiêu nói: "Nơi phố thị, không khí đón Tết không vui bằng ở quê vì trăm thứ trăm mua chứ không phải tự mình trồng. Mà muốn trồng cũng không được, ở thành phố nhà liền kề, người ra vào không có chỗ chen chân, đất trống đâu mà trồng rau. Nhìn luống rau nhỏ dễ thương, thấy sắc màu của Tết, nhiều người nói, vùng quê ăn Tết sớm, đúng quá còn gì!"

Ăn Tết đến hết tháng Giêng

Người miền quê thiết kế vườn rau ăn Tết, dưới trồng rau, phía trên làm giàn cho bí, bầu leo. Những trái bí, bầu to tròn, rải đều khắp giàn. Anh Thái Văn Sáu ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đang bợ trái bí non cho hay: Bí, bầu là loại để lâu, ăn Tết đến hết tháng Giêng. Bởi bí đỏ khi già để dành ăn cả tháng không hư, còn bầu thì trái nhỏ, nấu đủ ăn một bữa, trái lớn dài nửa mét thì cắt một nửa nấu canh hoặc xào, còn lại để dành nguyên trên giàn, bầu vẫn sống xanh, vài bữa ra cắt nấu ăn tiếp.

r3

Vườn rau là thứ không thể thiếu của nhiều người dân dịp Tết. 

Anh Sáu kể: Món ăn bầu bí, bí đỏ chỉ cần nấu canh với đậu phộng giã nhỏ nêm với chút muối, chút đường, thêm chút bột ngọt, xắt mớ ngò gai rắc lên nồi canh là thơm ngon… Bầu cũng vậy, làm món bầu um, chỉ cần tao dầu nêm hành hẹ là có món bầu um, hay làm gỏi bầu bằng cách xắt nhỏ, trộn với tép đồng rồi nặn chanh, thêm đường. Nhưng để nhanh gọn lẹ nhất, phải kể đến món bầu luộc. Nước luộc bầu có thể làm canh, còn bầu thì chấm mắm tiêu chưng đậm đặc, có chút ớt tỏi cay vừa ăn. 

Cạnh nhà anh Sáu là vườn rau nhà anh Nguyễn Văn Trạng gối đầu lên bờ ruộng, chiều đi làm đồng về, anh tạt nước ruộng lên tưới cho gốc bầu, bí. “Bông bí vàng giản dị mà gần gũi, bông bầu quen thuộc, có nhà làm giàn, có người cho dây leo bờ rào, đu lưới B40 vẫn trổ bông. Mấy năm trước tôi đi xa làm thợ hồ, gần Tết mới về, nhìn bí bầu ra bông tôi đứng nhìn hồi lâu như ôm vườn rau Tết vào lòng", anh Trạng bâng khuâng.

r4

Bà con tận dụng những khoảng đất trống để trồng rau.

Ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, phong trào trồng rau vườn nhà để tự cung cấp cho bữa ăn hàng ngày trên địa bàn huyện đang phát triển mạnh. Theo thống kê, người dân toàn huyện trồng 540ha rau các loại.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.