| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ

Thứ Sáu 23/11/2018 , 10:56 (GMT+7)

Hơn 2 năm thực hiện nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, với sự quyết liệt điều hành và tập trung chỉ đạo của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, tình hình KT-XH của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những bước phát triển và chuyển dịch tích cực.

Tăng trưởng đột phá

Từ những nỗ lực triển khai, sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 10,3%, tăng cao so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 41,2% lên 42,9%.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang khẩn trương hoàn thiện

Đây là bước tăng trưởng có tính đột phá tạo tiền đề để tỉnh hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. (Chỉ tiêu Nghị quyết là đến năm 2020 tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 48 - 49% và tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân đạt 11-13%/năm). Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh đã đạt dấu mốc quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,1%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ ước tăng 14,2% cùng kỳ. Thu ngân sách từ dịch vụ ước tăng 16% cùng kỳ.

Qua đó đã tạo tiền đề cho lĩnh vực dịch vụ du lịch đạt những kết quả bứt phá. Các giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu địa phương được triển khai tích cực bước đầu đã xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường. Ngành du lịch đã tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển KT-XH chung của tỉnh. Trong 2 năm 2016-2017, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 18,2 triệu lượt, tăng bình quân 12,7%/năm, trong đó, khách quốc tế đạt 7,8 triệu lượt và tổng doanh thu ngành du lịch 2 năm đạt trên 31.185 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2018, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 12 triệu lượt, tổng doanh thu ước đạt 22.800 tỷ đồng.
 

Phát triển dịch vụ chuyên nghiệp

Hơn 2 năm qua, Quảng Ninh cũng đã tập trung xây dựng và cải tạo mạng lưới giao thông; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, cửa khẩu; đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho các cơ quan chuyên ngành như hải quan, kiểm dịch… để phát triển thương mại theo hướng chuyên nghiệp, tiến tới loại bỏ hình thức XK tiểu ngạch để chuyển sang XK chính ngạch.

Đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị tăng cao theo hướng gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư như: Vingroup, Sun Group, FLC group, BIM group, Tuần Châu… để hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ. Mới đây, nhiều công trình hạ tầng quan trọng vừa được triển khai và đưa vào sử dụng, như: đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... đã mở ra những tuyến giao thông huyết mạch phục vụ phát triển du lịch và vận tải hàng hóa. Đó là chưa kể những dự án giao thông, đô thị hiện đại, như: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... sắp được khởi công sẽ góp phần cải thiện đáng kể diện mạo giao thông đô thị nội tỉnh và nâng tầm chất lượng phục vụ du lịch.

Để hoàn thiện các chỉ tiêu trong nghị quyết, tỉnh cũng thực hiện cơ chế khuyến khích và ưu đãi để hoàn thiện cơ sở vật chất hệ thống các bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh; đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn trên các tuyến du lịch, đô thị; lắp đặt hệ thống wifi trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; hệ thống kết cấu thương mại bán lẻ văn minh, hiện đại phục vụ du khách và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tại các địa phương. Chính vì thế mà tỉnh đã dần khẳng định vai trò và trở thành địa điểm uy tín được lựa chọn tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế.

Đồng thời, các hoạt động truyền thông, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai bằng nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả thiết thực như việc nâng cấp trang website du lịch Quảng Ninh và trang fanpage của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức, tham gia thành công nhiều chương trình, hội thảo đẩy mạnh liên kết xúc tiến quảng bá du lịch với các tỉnh khu vực sông Hồng và các vùng phụ cận.

Với sự vào cuộc quyết liệt thực hiện những mục tiêu chiến lược này, cùng những lợi thế, tiềm năng sẵn có, chắc chắn thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc cũng như cả nước trong sự bứt phá về phát triển dịch vụ, du lịch. Những kết quả nổi bật trên cũng sẽ giúp Quảng Ninh sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, từ đó, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2030.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.