Trước nhu cầu làm đẹp tăng cao của người dân, số lượng các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gia tăng. Tuy nhiên, quy định của Chính phủ về điều kiện hoạt động của các cơ sở này hiện còn một số bất cập. Điều này khiến các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ "trá hình" nở rộ.
Qua công tác thanh, kiểm tra nhận thấy, phần lớn các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép, nhân viên không được đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề… Nhiều cơ sở kinh doanh các loại mỹ phẩm không phép, sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; điều kiện cơ sở không đảm bảo phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định; quảng cáo các dịch vụ y tế chưa được các cơ quan chức năng cho phép… Đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều người "tiền mất, tật mang".
Báo Quảng Ninh dẫn lời ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 3 nhóm cung cấp dịch vụ làm đẹp; điều kiện hoạt động được quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ "Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế".
Trong đó, nhóm 1 là những cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, làm móng…). Những cơ sở này không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng nào, nên chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND địa phương cấp hoặc do Sở KH&ĐT cấp, không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.
Nhóm 2 là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ cung cấp dịch vụ phun, thêu xăm trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình cấp giấy phép hoạt động, nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở. Sau khi công bố, các cơ sở phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhóm 3 là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, các thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) để làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phân trên cơ thể, như da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác; hoặc xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm… Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND địa phương cấp hoặc do Sở KH&ĐT cấp, thì trước khi hoạt động phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Cũng theo ông Diện, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 1 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 11 phòng khám chuyên khoa da liễu đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động; 23 cơ sở tự công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. Danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện hoạt động, Sở Y tế đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở.
Trao đổi với PV, một cán bộ của Sở Y tế cho biết, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ duy nhất tại Quảng Ninh đến thời điểm này là Thẩm mỹ viện H.T ở Vinhomes Dragon bay Hạ Long, còn lại không có cơ sở nào khác được cấp phép làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm, thời gian qua Sở Y tế Quảng Ninh liên tục có văn bản, đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Bên cạnh sự nỗ lực, vào cuộc của ngành y tế, ông Nguyễn Trọng Diện cũng khuyến cáo người dân trước khi sử dụng dịch vụ làm đẹp cần tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ. Để nhận biết phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp phép theo quy định, có đủ điều kiện để hành nghề hay không, thì biển hiệu tên phòng khám phải niêm yết đầy đủ giờ làm việc, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, có địa chỉ, giá dịch vụ, đặc biệt là phải có số giấy phép Sở Y tế cấp. Đặc biệt, người dân cần phản ánh kịp thời khi phát hiện các hành vi nghi ngờ hành nghề trái phép, để có cơ sở xử lý theo quy định.