| Hotline: 0983.970.780

Nhiễm khuẩn thủng đầu mũi sau 4 năm nâng mũi

Thứ Tư 08/12/2021 , 15:28 (GMT+7)

Bốn năm sau nâng mũi bằng sụn sillicone tại một thẩm mỹ viện, chị T. bị nhiễm khuẩn thủng đầu mũi, một phần mô mũi bị hoại tử.

Các bác sĩ Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiến hành thủ thuật tháo vật liệu cấy ghép, lấy ra sụn mũi sillicone hình chữ 'L' cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Các bác sĩ Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiến hành thủ thuật tháo vật liệu cấy ghép, lấy ra sụn mũi sillicone hình chữ “L” cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngày 8/12, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp tai biến nhiễm khuẩn thủng đầu mũi sau phẫu thuật nâng mũi cách đây 4 năm.

Bệnh nhân N.T.D.T (ngụ tại quận 12) đến khám trong tình trạng đầu chóp mũi bị sưng đỏ, vật liệu nâng mũi bị lộ ra ngoài ở phần đầu mũi.

Chị T. cho biết, năm 2018 chị có đến một thẩm mỹ viện để nâng mũi và được tư vấn nâng mũi bằng sụn sinh học với giá khoảng 28.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 5/2021, đầu mũi T. xuất hiện một nốt nhọt với triệu chứng sưng, đỏ…

Nghĩ đây là nhọt da thông thường và do dịch bệnh, nên chị T. tự mua thuốc kháng sinh tại nhà thuốc về uống nhưng tình trạng không cải thiện. Trải qua vài tuần nhưng triệu chứng không giảm, da đầu mũi bắt đầu bị thủng, “sụn sillicon” lộ ra bên ngoài.

Nhận thấy diễn tiến ngày càng xấu đi, chị T. có liên hệ lại cơ sở thẩm mỹ nhưng do dịch bệnh, cơ sở chưa mở cửa lại nên giới thiệu qua Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân T. có dấu hiệu nhiễm khuẩn, thủng đầu mũi lộ vật liệu cấy ghép. Đây là một tình trạng cấp cứu thẩm mỹ, bệnh nhân được làm hồ sơ nhập viện ngay sau đó.

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Phó Trưởng Khoa Y, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Da Liễu TP.HCM là người trực tiếp khám và tư vấn cho bệnh nhân N.T.D.T.

Sụn mũi sillicone lộ ra ngoài. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Sụn mũi sillicone lộ ra ngoài. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Lý giải về việc tại sao lại bị nhiễm khuẩn, thủng đầu mũi lộ vật liệu cấy ghép sau nâng mũi sau 4 năm, PGS Phạm Hiếu Liêm cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

“Nhiễm khuẩn, thủng đầu mũi lộ vật liệu có thể xảy ra sớm hoặc muộn sau phẫu thuật nâng mũi. Thường hay gặp khi nâng mũi bằng vật liệu sụn nhân tạo do nhiều nguyên nhân. 

Thứ nhất, có thể do vật liệu nâng mũi là sụn nhân tạo không đảm bảo tính "trơ" gây tình trạng dị ứng, nhiễm khuẩn. Thứ hai, có thể do vật liệu nâng mũi quá dày và dài hoặc chất liệu cứng, nhất là đối với miếng độn silicone hình chữ “L” với đoạn trụ mũi dài thì nguy cơ tổn thương da và lòi sụn nơi đầu mũi càng cao. Thứ ba, có thể bệnh nhân có nhiễm khuẩn tiềm ẩn trước đây và nhiễm khuẩn này diễn ra từ từ mà bệnh nhân không để ý nên không biết cho đến khi xuất hiện triệu chứng lạ, cụ thể ở bệnh nhân này là nổi nhọt ở đầu mũi. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như không đảm bảo vô khuẩn khi phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu… cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng”, bác sĩ Liêm lý giải.

Bệnh nhân T. được chỉ định thực hiện thủ thuật tháo vật liệu cấy ghép. Các bác sĩ đã lấy ra sụn mũi sillicone hình chữ “L” ra ngoài. Trong quá trình tháo sụn mũi, đã có một lượng mủ vừa phải, đặc chảy ra cùng. Tiếp đó các bác sĩ đã tiến hành làm sạch khoang, cắt lọc mô hoại tử, chuẩn bị cho việc tạo hình lại mũi.

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Theo PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm xử lý biến chứng lộ sóng mũi là một kỹ thuật phức tạp vì đầu mũi là một đơn vị thẩm mỹ tương đối nhỏ, rất phức tạp.

Bệnh nhân khi gặp tình trạng này không những ảnh hưởng nặng nề về mặt hình thể chức năng mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt. Nếu phát hiện, xử lý sớm thì kết quả thường tốt hơn. Biến chứng để lại sẽ là một vết sẹo nhỏ nơi đỉnh mũi. Khoảng 6 tháng sau khi mũi ổn định, vết sẹo lành, bệnh nhân có thể tái tạo - nâng mũi lại. 

Với lần tạo hình nâng mũi thì hai, đối với các tình trạng mũi biến chứng thường ưu tiên sử dụng nhất vẫn là vật liệu tự thân trung bì mỡ, sụn sườn... Đây là một kỹ thuật khó, phức tạp đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có tay nghề cao tại cơ sở uy tín.

“Ai cũng mong muốn có chiếc mũi cao, thanh tú, tự nhiên… và nâng mũi là một nhu cầu thẩm mỹ chính đáng. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý tìm hiểu kỹ nơi thực hiện phẫu thuật nâng mũi, hợp lệ về chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, cơ sở này có thật sự uy tín…

Sau phẫu thuật nâng mũi, nếu thấy có các dấu hiệu lạ tại vùng mũi phải đi khám ngay để được phát hiện sớm và xử lý triệt để nếu có biến chứng xảy ra. Trong trường hợp bệnh nhân này, nếu được xử lý sớm sẽ không phải đến mức thủng đầu mũi và để lại sẹo xấu vùng đầu mũi như bây giờ", bác sĩ Hiếu Liêm nói.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.