| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh đẩy mạnh nền tảng số thương mại điện tử các sản phẩm OCOP

Thứ Năm 01/07/2021 , 10:46 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các hội chợ xúc tiến các sản phẩm OCOP ở Quảng Ninh đều phải hoãn lại để phòng dịch. Tuy nhiên, không để cho sản phẩm OCOP bị tồn đọng, các doanh nghiệp, HTX đã chủ động các phương thức mua bán sản phẩm, bên cạnh có sự đồng hành của các ngành chuyên môn.

Đa dạng các hình thức thương mại sản phẩm OCOP

Là HTX sản phẩm OCOP có tiếng ở TP Hạ Long, chị Nguyễn Thị Trang, HTX Việt Hoàng, đang miệt mài tiếp thị khách hàng, đưa sản phẩm của mình lên website riêng của HTX, các sản phẩm được chụp ảnh đẹp mắt, kèm theo công dụng, giá niêm yết. Ngoài ra, chị có 1 đến 2 nhân viên trực đường dây nóng để nhanh chóng trả lời những thắc mắc của người tiêu dùng trong khi lựa chọn sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Trang cho biết: "Trước đây, chúng tôi đều phải thông qua các chương trình hội chợ xúc tiến mới bán được nhiều sản phẩm, song thấy cách làm này gặp nhiều rủi ro, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng tôi đã thay đổi cách bán hàng truyền thống bằng ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các sản phẩm của mình vào các kênh mua bán, phân phối sản phẩm có tiếng".

“Để sản phẩm OCOP được tiêu thụ ngày càng rộng rãi hơn trên thị trường, các doanh nghiệp, HTX  OCOP như chúng tôi đã kịp thời nắm bắt, chủ động tiếp cận thị trường, vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản suất. Từ đó, chất lượng sản phẩm OCOP được nâng lên, mẫu mã, bao bì thay đổi, chuẩn hóa hướng tới thị trường ổn định”, chị Trang nói thêm.

Các kỳ hội chợ liên tục hoãn do dịch bệnh Covid-19, bắt buộc các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP phải tìm hướng đi mới. Ảnh: Anh Thắng.

Các kỳ hội chợ liên tục hoãn do dịch bệnh Covid-19, bắt buộc các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP phải tìm hướng đi mới. Ảnh: Anh Thắng.

Đối với các sản phẩm mang tính truyền thống, đại diện của khu vực như miến dong Bình Liêu, là sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, có sức bán hiệu quả thông qua các kỳ hội chợ. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, huyện Bình Liêu đã chủ động trong việc hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu, định hướng đầu tư trang thiết bị hiện đại, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, sản phẩm miến dong Bình Liêu đã đưa vào các hệ thống bán hàng lớn như: BigC, Q-mart; Big Green, Vinmart...

Hiện nay, thực hiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP bằng việc đổi mới, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, xây dựng thị trường mục tiêu, tăng hiệu quả kinh tế, kết nối chuỗi tiêu thụ lâu dài… cũng đang là hướng đi bài bản của Quảng Ninh để tiếp tục tìm kiếm thị trường ổn định cho các sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển Công Thương (Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Để các chương trình xúc tiến sản phẩm OCOP tiếp tục phát huy hiệu quả, cần sự chung tay tham gia, đảm bảo sản lượng, chất lượng, không ngừng đổi mới, nâng cao sản phẩm từ phía các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng tạo được dấu ấn về chất lượng, mẫu mã bao bì. Ảnh: Anh Thắng.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng tạo được dấu ấn về chất lượng, mẫu mã bao bì. Ảnh: Anh Thắng.

“Thời gian tới, ngoài những hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, trung tâm sẽ triển khai đa dạng các hình thức thông qua đổi mới cách làm, xác định thị trường mục tiêu, tiến tới mở rộng thị trường sản phẩm OCOP theo hướng hiện đại và bền vững trên nền tảng số”, ông Kiên nói thêm

Nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam như: Sendo, Voso, Tiki, Shopee… triển khai chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”.

Các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm, hàng hóa đã được hướng dẫn đăng ký tham gia, và phân phối  trên “Gian hàng Việt trực tuyến”. Ngoài ra còn được hỗ trợ, tư vấn miễn phí thủ tục, hưởng các chính sách hỗ trợ từ Bộ Công Thương và sàn thương mại điện tử, đơn vị chuyển phát, cũng như các đối tác của chương trình. Qua đây sẽ giúp cho doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh tiêu thụ được sản phẩm, là hình thức học tập kinh nghiệm, tư duy đa dạng hóa các hình thức mua bán sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh nền tảng số thương mại điện tử

Nhằm bắt kịp xu hướng kinh tế số, đáp ứng nhu cầu giao dịch nhanh, hiện đại, thuận tiện cho người tiêu dùng, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp OCOP kinh doanh trên sàn TMĐT.

Cách này có thể thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại hơn trong tương lai. Sở Công Thương Quảng Ninh đã lên kế hoạch khảo sát các doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm thông tin, tìm kiếm đối tác kinh doanh và dịch vụ xúc tiến thương mại trên địa bàn để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh, xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động TMĐT hợp lý, đạt hiệu quả.

Được biết, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đang quản lý và vận hành sàn “Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh” có địa chỉ mạng tại http://teqni.gov.vn và trang web: thuonghieuquangninh.gov.vn liên tục được cập nhật thông tin đáp ứng nhu cầu tin bài cho trang tin TMĐT.

Sàn thương mại điện tử Quảng Ninh tại địa chỉ Thuonghieuquangninh.gov.vn. Ảnh: Anh Thắng.

Sàn thương mại điện tử Quảng Ninh tại địa chỉ Thuonghieuquangninh.gov.vn. Ảnh: Anh Thắng.

Hiện tại, sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh có 184 sản phẩm của 69 doanh nghiệp/HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được niêm yết và giao dịch trực tuyến. Trong đó, bao gồm các sản phẩm OCOP từ 3-5 sao do tỉnh kiểm duyệt.

Hệ thống sàn thu hút bình quân trên 1.000 lượt truy cập mỗi ngày (trong đó 500 lượt truy cập vào teqni.gov.vn, trên 500 lượt truy cập vào Thuonghieuquangninh.gov.vn). Từ đầu năm đến nay, đã có 1.806 đơn hàng đặt hàng (trong đó có khoảng 80% chuyển cho các doanh nghiệp thực hiện giao dịch), doanh thu bán hàng qua sàn, đạt gần 960 triệu đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Mục tiêu trong năm 2021, phương thức giao dịch này đạt mức tăng trưởng 18 - 20%, tổng doanh thu đạt 33 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2025, toàn tỉnh Quảng Ninh có thể đạt tỷ lệ 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử và thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng qua các phương tiện điện tử…

Ông Lê Hồng Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh chia sẻ: Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia vào TMĐT. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ để có thể tận dụng được hết lợi ích từ công nghệ số.

 “Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng việc quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trực tuyến thông qua nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT trong công tác kiểm tra, đảm bảo việc kinh doanh trên các trang TMĐT tuân thủ đúng quy định của pháp luật” ông Giang nói thêm thêm.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.