Hàng trăm hồ chưa có phương án ứng phó thiên tai
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh), trên địa bàn tỉnh hiện có 185 hồ với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 33.102 ha; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 36,3 triệu m3; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000 ha, trong đó có 6 hồ không còn hoạt động do hư hỏng xuống cấp hoặc không còn nhu cầu sử dụng.
Hồ, đập được tu sửa, xây dựng mới tại Quảng Ninh. |
Ông Vũ Mạnh Huy, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh cho biết: Mặc dù đơn vị đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý, khai thác công trình và bảo vệ công trình thủy lợi và bảo đảm an toàn đập của các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh còn chậm.
“Ngoài ra, việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh chưa tốt, nhất là các hồ do các địa phương quản lý. Qua quá trình thanh, kiểm tra, phát hiện công tác quy hoạch, rà soát các dự án hồ, đập chứa thủy lợi chưa được triển khai xây dựng, có những hồ, đập mặc dù được triển khai các dự án nhưng có hiệu quả thấp, gây ảnh hưởng đến môi trường xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững. Cụ thể: 124 hồ chưa có phương án ứng phó thiên tai; 179 hồ chưa có quy trình vận hành điều tiết theo quy định; 139 hồ chưa có hồ sơ kỹ thuật; chưa đăng ký an toàn đập...”, ông Huy nói.
Đồng thời, một số hồ chứa nước chưa phát huy hết hiệu quả, như: Hồ Tràng Vinh sau hơn chục năm đưa vào khai thác cũng chỉ sử dụng khoảng 30% dung tích thiết kế; hồ Khe Chè sau gần 20 năm đưa vào khai thác mới chỉ đang sử dụng khoảng 30% công suất thiết kế.
Thực tế hàng năm, trước và sau mùa mưa bão, tỉnh Quảng Ninh đều thành lập các đoàn kiểm tra công trình thủy lợi do Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với UBND các địa phương, các chủ sở hữu đập và chủ quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước tiến hành kiểm tra rà soát hiện trạng các công trình hồ chứa nước trên địa bàn và tiến hành lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp.
Tuy nhiên, quá trình xác minh hiện trạng an toàn của các hồ, đập cho thấy còn nhiều hồ chứa nước đã bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn. Các hồ chứa nước được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế cũ, tràn xả lũ không bảo đảm khả năng thoát lũ.
Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập
Từ những lần khảo sát kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều đề án sửa chữa, nâng cấp. Từ đó đến nay, nhiều công trình đã được đầu tư bảo đảm an toàn. Đặc biệt các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh như: Hồ Bến Châu (TX Đông Triều) dung tích 8,2 triệu m3; hồ Yên Lập ( TX Quảng Yên) dung tích 127,5 triệu m3; hồ Đầm Hà Động (huyện Đầm Hà) dung tích 12,3 triệu m3.
Hồ, đập tại địa phương này còn góp phần xây dựng một tỉnh du lịch phát triển. |
Sự cố hồ đập mới nhất địa phương này từng ghi nhận vào năm 2014. Song, nhiều giải pháp cũng được các ngành chức năng đưa ra, trong đó nhấn mạnh chủ thể quản lý hồ, đập. Bắt buộc đăng ký kê khai an toàn hồ, đập chứa nước đối với các cá nhân, tổ chức khai thác; nhanh chóng gửi bản kê khai đăng ký an toàn hồ, đập chứa nước đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; rà soát, đánh giá hiện trạng của toàn bộ các hồ chứa, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu và phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành, từng bước nâng mức đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế cho hồ chứa lớn.
Ông Huy cho biết thêm, tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để chủ động bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm, lên phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hiện có cho cơ quan quản lý. Xây dựng mới phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho các đập, hồ chứa nước chưa được xây dựng.
Theo ông Huy, từ năm 2017 đến nay đã đầu tư xây dựng mới 5 hồ, sửa chữa nâng cấp 78 hồ, đập chứa thủy lợi. Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh việc huy động nguồn xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.