| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị đặt mục tiêu có 100.000 ha rừng gỗ lớn

Thứ Ba 16/04/2019 , 09:05 (GMT+7)

Một nội dung cơ bản của Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Quảng Trị đến năm 2025 là chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn với diện tích đến 100 ngàn ha.

15-57-28_go_lon_1
Các kỹ sư lâm nghiệp dạy người dân trồng rừng gỗ lớn tại huyện Hướng Hóa

Tỉnh Quảng Trị đang làm rất tốt mục tiêu này và được Bộ NN-PTNT đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc trồng rừng gỗ lớn nhờ biết liên kết giữa cơ quan chức năng, người dân với nhà khoa học và doanh nghiệp.

Ông Lê Biên Hòa ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh trồng gần 50ha rừng gỗ lớn. Ông Hòa phân tích trồng rừng theo cách truyền thống mỗi hecta rừng từ 6 đến 7 năm tuổi, chăm sóc chu đáo cũng chỉ bán được 60 đến 80 triệu đồng.

Trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC, mỗi hecta bán với giá trên 200 triệu đồng. Những năm gần đây, mỗi năm ông Hòa bán 10ha rừng gỗ lớn được giá cao. Hiện các công ty lâm nghiệp ở Quảng Trị như Cty Lâm nghiệp Triệu Hải, Bến Hải và Đường 9 đều có đến 50% diện tích trồng rừng gỗ lớn.

Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho biết, hàng năm tỉnh Quảng Trị luôn chủ động trong công tác phối hợp với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên hỗ trợ các công ty lâm nghiệp và các hộ gia đình phát triển diện tích rừng trồng FSC, rừng gỗ lớn.

Hiện toàn tỉnh có 22.200ha rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Quảng Trị có 100 ngàn hecta rừng trồng gỗ lớn, được cấp chứng chỉ FSC. Để làm được công việc này, tỉnh Quảng Trị liên kết với các công ty lâm nghiệp, trung tâm khoa học lâm nghiệp, Đại học Nông nghiệp Huế giúp nhiều nhóm hộ dân trong tỉnh tham gia trồng rừng gỗ lớn. Mô hình này thực hiện kỹ thuật trồng, tỉa thưa nuôi dưỡng rừng theo từng giai đoạn, sử dụng biện pháp canh tác khoa học tiến bộ, quan tâm đến chất lượng giống có nguồn gốc rõ ràng nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống cao.

Quảng Trị đang quyết liệt chỉ đạo, khuyến khích các địa phương, chủ rừng chuyển đổi dần phương thức trồng rừng từ cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn để nâng cao tỷ lệ gỗ xẻ có đường kính lớn hơn 15cm đạt 50 đến 60%/ha để cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến xuất khẩu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đồng thời hạn chế trồng rừng kinh doanh nguyên liệu dăm và có quy hoạch quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn để sớm đạt mục tiêu 100 ngàn hecta rừng gỗ lớn vào năm 2025.

(Ông Hà Sỹ Đồng, PCT tỉnh Quảng Trị)

Để đạt được kết quả trên, hàng năm ngành lâm nghiệp Quảng Trị tập trung tuyên truyền, vận động các chủ rừng xây dựng phương án trồng, quản lý rừng gỗ lớn bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC. Trung bình mỗi năm tổ chức từ 40 - 50 cuộc hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, nhận thức cho các chủ rừng và hộ gia đình trồng rừng quy mô nhỏ hiểu rõ hơn về chính sách của nhà nước trong công tác nâng cao chất lượng rừng, trồng rừng gỗ lớn, kết hợp với chứng chỉ rừng FSC để nâng cao giá trị gia tăng từ trồng rừng sản xuất.

Bên cạnh vai trò của nhà nước trong việc ban hành chủ trương, chính sách phát triển rừng trồng gắn với chế biến, sự đồng tình, tham gia tích cực của người dân, còn có sự đóng góp nhiệt tình của doanh nghiệp chế biến trong việc liên kết, hợp tác để bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Đây là kết quả của quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu và cùng tạo điều kiện cho người trồng rừng yên tâm về đầu ra sản phẩm, đảm bảo ổn định giá bán gỗ, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người trồng rừng.

Ông Trần Văn Tý cho biết, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ đóng tại Quảng Trị liên kết với huyện Cam Lộ thực nghiệm mô hình trồng rừng gỗ lớn với giống cây keo lai rất thành công. Hiện trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều địa phương.

Ông Phạm Xuân Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ phân tích, nếu trồng keo lai với mục tiêu kinh doanh gỗ lớn mà không tỉa thưa nhân tạo thì nên trồng mật độ 625 đến 833 cây là phù hợp. Sau khi trồng đến 10 năm, năng suất gỗ trung bình hàng năm tăng dao động từ gần 17 đến 23 m3/ha.

Sau 13 năm tuổi, trữ lượng gỗ đạt từ từ 168 đến hơn 219 m3/ha. Với trữ lượng và khối lượng như vậy bán gỗ từ rừng trồng gỗ lớn thu về hơn 200 triệu đồng/ha, hơn rất nhiều trồng rừng bình thường.  

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết với sự đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của thị trường các nước Châu Âu, Châu Mỹ, thời gian qua các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với người dân trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ để cung cấp nguyên liệu có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế cho khách hàng.

15-57-28_go_lon_2
Vườn ươm trồng rừng gỗ lớn của Cty Lâm nghiệp Triệu Hải

Hiện Quảng Trị có nhiều doanh nghiệp như: Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ, Cty Tiến Phong, Cty Phương Thảo, Cty TNHH Thu Hằng, Cty TNHH Nguyên Phong… đáp ứng đủ điều kiện chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm CoC/FSC để khai thác, chế biến, vận chuyển, sản xuất và phân phối sản phẩm gỗ ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị còn đẩy mạnh quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng cung cấp gỗ, giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu.

Công ty Lâm nghiệp Bến Hải liên kết trồng hơn 2.000ha rừng gỗ lớn

Ông Hoàng Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Lâm nghiệp Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, cho biết hiện toàn bộ diện tích rừng của Cty có gần 10 ngàn ha được cấp chứng chỉ FSC, trong đó có hơn 2 ngàn ha được công ty liên doanh với đối tác trồng rừng gỗ lớn. Để đạt được kết quả này, giải pháp trồng và quản lý rừng bền vững có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Cty cả trước mắt và lâu dài.

16-40-37_go_lon_3
Đánh giá trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ FSC tại Cty Lâm nghiệp Bến Hải

Giải pháp về cơ chế chính sách, Cty đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị hỗ trợ thúc đẩy giao đất giao rừng bổ sung, sử dụng ổn định 50 năm; cho phép Cty hoàn toàn chủ động khi thực hiện phương án QLRBV bao gồm khai thác, trồng rừng, khoanh nuôi rừng. Huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác cùng tham gia sản xuất và đầu tư hỗ trợ phát triển cộng đồng theo chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Sử dụng nguồn tín dụng ưu đãi, vay vốn lãi suất thấp với thời hạn đủ dài cho chu kỳ kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. 

Đặc biệt, công tác bảo vệ rừng, chống chặt phá, khai thác vận chuyển, mua bán trái phép, là một nhiệm vụ hàng đầu đối với quản lý bền vững rừng gỗ lớn. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành như Kiểm lâm, Công an, Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương trong tuyên truyền giáo dục, giải quyết công ăn việc làm, mở mang ngành nghề để giảm áp lực lao động nhàn rỗi đối với rừng. 

Thành lập bổ sung các trạm QLBVR và PCCCR ở các xã, có nhiệm vụ phối hợp với các xã, thôn để kiểm tra giám sát việc thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.

Tổ chức các khóa học ngắn ngày, nội dung đơn giản, dễ hiểu nhằm phổ biến những hiểu biết về tầm quan trọng của rừng cho trưởng thôn, già làng và cán bộ xã; lồng ghép trong các cuộc họp thôn, làng để tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về các quy định, các văn bản có liên quan đến bảo vệ tài nguyên rừng gỗ lớn.

 

  • Tags:
Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.