Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều 15/2 đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, với một trọng tâm được nhiều người đặc biệt chú ý là quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca.
Đối với những biểu tượng chung như Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca thì không thể không rạch ròi quyền tác giả và quyền sở hữu. Không ai còn tranh cãi, người sáng tác Quốc kỳ Việt Nam là ông Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941), người sáng tác Quốc huy Việt Nam là ông Bùi Trang Chước (1915-1992) và người sáng tác Quốc ca Việt Nam là ông Văn Cao (1923-1995). Còn sở hữu Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca được mặc định thuộc về toàn dân Việt Nam.
Để bảo đảm tính tôn nghiêm của các biểu tượng chung trong đời sống cộng đồng, cần có một quy định riêng. Thực tế đã cho thấy, nếu không có quy định riêng thật cụ thể thì xảy ra chuyện dở khóc dở mếu.
Ví dụ, trận thi đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup diễn ra tối 6/12/2021, kênh YouTube Next Sports phát hình ảnh các cầu thủ Việt Nam đang hát Quốc ca nhưng không có tiếng, kèm dòng xin lỗi: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.
Vì sao trớ trêu như vậy? Vì có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Quốc ca Việt Nam, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi và đã thanh toán quyền tác giả thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi, bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc pháp luật quy định chặt chẽ về phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là cần thiết, nhằm bảo đảm sự ý nghĩa các biểu tượng quốc gia và bảo đảm quyền lợi thụ hưởng của người dân. Cần tiếp tục nghiên cứu thêm trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm, trong đó có Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Nếu quy định nguyên tắc cứng là mọi trường hợp Nhà nước đều là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thì một mặt sẽ trùng lặp với một số trường hợp đã quy định tại Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ, mặt khác sẽ không phù hợp nếu sau này chúng ta có sự lựa chọn khác, mà tác giả của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước, chưa chuyển giao quyền tác giả cho Nhà nước.
Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không chỉ là tài sản trí tuệ mà còn thể hiện giá trị thiêng liêng của quốc gia và dân tộc. Nhất định phải có quy định riêng để ứng xử cho phù hợp trong mọi sinh hoạt chính trị, văn hóa và đời sống của Việt Nam, để tránh tình trạng lạm dụng các yếu tố thương mại gây bất bình cho người dân.