| Hotline: 0983.970.780

Quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm của các thị trường lớn

Thứ Ba 12/11/2019 , 10:45 (GMT+7)

Sau bài “Truy xuất nguồn gốc tôm, cá tra chưa đạt yêu cầu” trên NNVN, một số doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản muốn biết quy định của các thị trường lớn. 

Đáp ứng yêu cầu, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Bùi Huy Bình (Giám đốc điều hành Công ty TraceVerified), đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu thực trạng truy xuất nguồn gốc của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASE) cùng các tổ chức khác.

11-15-58_1111191
Ông Bùi Huy Bình (Giám đốc điều hành Công ty TraceVerified).

Ông Bùi Huy Bình cho biết, thị trường lớn nhiều năm của thủy sản nước ta là Mỹ, EU và Nhật Bản. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt 8,79 tỷ USD, trong đó ba thị trường lớn 4,46 tỷ USD, chiếm hơn 50,7%. Cụ thể, thị trường Mỹ 1,63 tỷ USD, EU 1,44 tỷ, Nhật Bản 1,39 tỷ.

PV: Thị trường EU rộng lớn khá quen thuộc với nhiều mặt hàng thủy sản của nước ta, quy định về truy xuất nguồn gốc như thế nào?

Ông Bùi Huy Bình: Quy định của EU về khả năng truy xuất nguồn gốc là khả năng cho phép truy tìm tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của một sản phẩm thực phẩm, một sản phẩm thức ăn động vật. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc là phải định ra dấu hiệu đối với từng nhà sản xuất, thành một hệ thống hoàn chỉnh. Giám sát đến từng nhà máy, bao gồm cả nhà nhập khẩu.

Hệ thống an toàn thực phẩm của EU là một tập hợp các cơ quan hữu trách. Trách nhiệm bảo vệ an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng châu Âu trước tiên thuộc về Ủy ban châu Âu, cụ thể là Cục Y tế và An toàn thực phẩm, còn được gọi là DG SANCO. Hệ thống an toàn thực phẩm của EU dựa trên 3 trụ cột: Phân tích mối nguy; kiểm tra - giám sát; trách nhiệm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Luật cũng là cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong những trường hợp khẩn cấp (RASFF).

PV: Còn quy định của thị trường Mỹ?

Ông Bùi Huy Bình: Tại Mỹ, luật ban hành để đảm bảo sự an toàn của nguồn cung cấp thực phẩm và thiết lập mức độ bảo vệ của quốc gia, thể hiện rõ sự phân chia quyền lực, dựa trên cơ sở khoa học và mang cách tiếp cận dựa trên rủi ro phòng ngừa. Hơn cả quy định của EU, ở thị trường Mỹ chú trọng phòng ngừa mối nguy có chủ đích và chuẩn bị kế hoạch đối phó, nghĩa là không chỉ đối phó mối nguy vô tình. Sau khi được triển khai, kế hoạch đó sẽ giúp tập trung vào công tác đào tạo nhân viên cũng như các biện pháp ứng phó và phục hồi.

Cụ thể theo Luật An ninh Y tế: mỗi điểm dọc theo chuỗi phải có tài khoản cho nơi giao nhận; phương pháp một bước trước, một bước sau đóng vai trò quan trọng. Nghĩa là mỗi điểm phát ra thông tin ghi nhận trong chuỗi sản phẩm phải có một ai đó chịu trách nhiệm. Còn theo Luật sửa đổi về An toàn thực phẩm (FSMA): bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm, tập trung vào ngăn ngừa hơn là phản ứng với các vấn đề sau khi chúng xảy ra. Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS) quy định nghiêm ngặt việc kiểm soát từng công đoạn theo nguyên tắc phòng vệ thực phẩm.

PV: Quy định ở thị trường Nhật Bản chú trọng điều gì?

Ông Bùi Huy Bình: Chú trọng về trách nhiệm của doanh nghiệp và hiệp hội. Tính trách nhiệm được đề cao thông qua Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm: Trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng thuộc về nhà nhập khẩu. Với việc đề cao trách nhiệm nhà cung cấp nên quy định về kiểm tra, giám sát được tăng dần theo mức độ vi phạm: bình thường lấy mẫu 5% thủy sản nuôi nhưng nếu phát hiện 1 lô vi phạm sẽ tăng lên 50%, nếu hồ sơ có nguy cơ vi phạm cao sẽ tăng lên 100%.

PV: Còn nước ta quy định thế nào?

Ông Bùi Huy Bình: Hệ thống luật nước ta có Quyết định 100/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT năm 2011 của Bộ NN-PTNT. Truy xuất nguồn gốc được định nghĩa như các thị trường khác là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau: cơ sở phải lưu giữ thông tin để đảm bảo khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất, kinh doanh/công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh/công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quá trình sản xuất, chế biến và phân phối đối với một sản phẩm được truy xuất.

PV: Quy định của nước ta so với các nước khác thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Huy Bình: Có 5 điểm cho thấy quy định của nước ta còn rời rạc, ít hiệu quả. Thứ nhất là chưa tận dụng vai trò các tổ chức nghề nghiệp, chuyên môn. Hai là thiếu cơ chế khuyến khích tự nguyện và chia sẻ thông tin truy xuất nguồn gốc. Ba là chưa có chuẩn mực truy xuất nguồn gốc và chia sẻ thông tin. Bốn là chưa có hệ thống để chia sẻ thông tin ngăn ngừa mối nguy. Cuối cùng, có hệ thống kiểm mẫu nhưng thiếu kết nối với nước nhập khẩu.

Phân tích tác động cụ thể của hệ thống quy định tới các thành phần thực hiện truy xuất nguồn gốc thấy nhiều hạn chế. Với doanh nghiệp: chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện. Với tổ chức, chứng nhận: các quy định truy xuất nguồn gốc của tổ chức trong nước thiếu. Với doanh nghiệp chi phối: chưa đủ khuyến khích để hình thành các doanh nghiệp tự quy định riêng. Với các quốc gia nhập khẩu: chạy theo các quy định quốc gia nhập khẩu, chưa có hệ thống cảnh báo từ xa.

PV: Ông vừa nói một khái niệm khá mới, doanh nghiệp chi phối, nó là gì vậy?

Ông Bùi Huy Bình: Sản phẩm ra thị trường được quyết định các chuẩn mực áp dụng trên chuỗi có thể khác nhau: người bán, người mua hay bên thứ ba? Các quy định truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực có sẵn hoặc của riêng. Những chi phối này lý giải tại sao phải theo các yêu cầu đó và cần làm thế nào để tăng vai trò doanh nghiệp, sản phẩm trên chuỗi cung ứng. Chẳng hạn có Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc đưa ra tiêu chuẩn BRC, Tổ chức Global Aquaculture Alliance đưa ra tiêu chuẩn BAP; thị trường thế giới còn có Liên minh HALAL Quốc tế (IHIA) là tổ chức mang tính chất tôn giáo cũng đưa ra quy định riêng.

PV: Qua phân tích của ông có thể thấy hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm của nước ta từ luật lệ đến thực hiện còn khá là sơ khai. Ông có đề xuất gì với chính sách quốc gia và doanh nghiệp?

Ông Bùi Huy Bình: Về chính sách của quốc gia, theo tôi là không nên xây dựng nhiều chính sách mang tính bắt buộc mà cần xây dựng chuẩn mực thông tin truy xuất nguồn gốc và kết nối, chia sẻ. Tổ chức thực thi và kiểm tra tốt hơn thông qua các hệ thống giám sát. Chính sách cần thúc đẩy phát triển các tổ chức và chứng nhận, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp chi phối chuỗi toàn cầu.

11-15-58_1111192
Mặt hàng cá tra đang được tập trung thực hiện truy xuất nguồn gốc. Ảnh: LHV.

Còn các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cho mình để khẳng định giá trị riêng, tham gia hình thành các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng và tuyên bố chuẩn mực chung cho chuỗi cung ứng. Trong truy xuất nguồn gốc chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chia sẻ dữ liệu. Cuối cùng là lập chiến lược nhờ công cụ truy xuất nguồn gốc để thành doanh nghiệp chi phối, thực hiện chiến lược di chuyển từ của riêng mình thành của chuỗi để phát triển bền vững, góp phần phát triển ngành hàng của đất nước.

PV: Truy xuất nguồn gốc làm tăng chi phí nhưng lại thúc đẩy phát triển, vì sao?

Ông Bùi Huy Bình: Tôi xin nhắc lại 20 năm trước, ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu với nhiều số 0 mà không có số 1 nào đứng trước: 0 giá trị xuất khẩu, 0 doanh nghiệp nhà nước trọng điểm, 0 hiệp hội. Một nghiên cứu về “Tiêu chuẩn, thể chế và thương mại quốc tế - trường hợp ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam” tại Viện công nghệ MIT (Mỹ) đã chỉ ra 3 đặc điểm quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam có được những con số đáng tự hào như hiện nay: Tiêu chuẩn không chỉ là rào cản, mà còn là chất xúc tác cho ngành phát triển; Thể chế làm gia tăng lợi thế so sánh; Vai trò của nhà nước, đặc biệt của hiệp hội là quan trọng.

Ngành công nghiệp thực phẩm đang nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp hướng đến khách hàng với nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm an toàn. Việc bắt buộc để thiết lập một hệ thống truy xuất nguồn gốc mạnh mẽ để nhằm giảm thiểu việc sản xuất và phân phối thực phẩm không an toàn hoặc chất lượng kém.

Ngày nay, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trở thành mối quan tâm toàn cầu đã được giải quyết ở cấp độ đa phương bởi các quốc gia trên thế giới.

(Ông Bùi Huy Bình)

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Ngư dân Quảng Nam được mùa mực biển

Giá mực cao, sản lượng nhiều hơn các năm trước nên sau một đêm đánh bắt trên biển, các ghe thuyền ở Quảng Nam có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất