| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau đề nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tôm

Chủ Nhật 30/06/2024 , 16:55 (GMT+7)

Cà Mau vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì.

Tỉnh Cà Mau vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì. Ảnh: Trọng Linh.

Ngày 30/6, ông Kiều Trung Tín, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì.

Theo công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, những năm qua, ngành tôm tỉnh Cà Mau liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm gần 280.000 ha, sản lượng đạt 231.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu tôm ngày càng khó khăn, do phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU, việc áp dụng các hệ thống chất lượng phù hợp, thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm và giá xuất khẩu của các mặt hàng tôm có xu hướng giảm và sự cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt trên 1 tỷ USD trong 3 năm liền. Ảnh: Trọng Linh.

Xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt trên 1 tỷ USD trong 3 năm liền. Ảnh: Trọng Linh.

Theo quy định mới, từ năm 2024 đối với toàn bộ các sản phẩm tôm khi muốn nhập khẩu vào thị trường EU phải có trong chương trình giám sát dư lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng tôm bạc thẻ (Penaeus merguiensis) và tôm chì (Metapenaeus ensis) không nằm trong chương trình giám sát dư lượng, dẫn đến các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì vào thị trường EU có khả năng không xuất được hàng, bị phạt và bồi thường hợp đồng, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mất khách hàng.

Đồng thời, đối với các doanh nghiệp trong tỉnh Cà Mau có kế hoạch xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì vào thị trường EU sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Xuất phát từ tình hình thực tế, để tháo gỡ khó khăn và hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu loại tôm bạc thẻ, tôm chì và người dân do bị mất đi thị trường xuất khẩu, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khẩn trương xem xét bổ sung đối tượng tôm bạc thẻ và tôm chì vào chương trình giám sát dư lượng Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đồng thời, trong thời gian chờ bổ sung vào chương trình giám sát dư lượng, liên hệ với cơ quan thẩm quyền của EU cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì sang EU trong thời gian sớm nhất của năm 2024.

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.