| Hotline: 0983.970.780

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

Thứ Tư 02/10/2024 , 14:52 (GMT+7)

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Nước mắm OCOP 4 sao

Sở hữu đường bờ biển dài hơn 130km với nhiều bãi biển đẹp, tỉnh Hà Tĩnh không chỉ phát triển mạnh về du lịch mà còn khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc vươn khơi khai thác, chế biến sâu sản phẩm hải sản.

Chị Nguyễn Thị Sáng - Giám đốc HTX Phú Sáng. Ảnh: Thanh Nga.

Chị Nguyễn Thị Sáng - Giám đốc HTX Phú Sáng. Ảnh: Thanh Nga.

Thông qua việc lồng ghép các chính sách về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hàng loạt hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, nguồn vốn… để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. HTX Dịch vụ Chế biến hải sản Phú Sáng (HTX Phú Sáng) ở thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên là một trong những mô hình kinh tế tập đạt được thành công nổi bật.

Năm 2021 trở về nước sau nhiều năm học tập, làm việc tại Đài Loan, chị Nguyễn Thị Sáng (sinh năm 1992) cùng 7 thành viên khác dồn hết những đồng vốn tích góp được khai sinh HTX Phú Sáng với ngành nghề chính là thu mua, chế biến, phân phối thủy hải sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm “Nước mắm Phú Sáng”.

Nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, HTX Phú Sáng đóng chân ở vùng cửa biển, có nguồn nguyên liệu dồi dào, tươi ngon, là lợi thế để chế biến nước mắm. Hơn nữa, quá trình đi qua nhiều vùng đất, nếm đủ thứ nước chấm, bản thân chị nhận thấy không có loại nước mắm nào đậm đà, thơm đặc trưng như giọt nước mắm gia truyền được muối trong vại sành, chum sứ của bà, của mẹ chị.

Nước mắm được ủ trong chum sành, vại sứ trong vòng 18 tháng. Ảnh: Thanh Nga.

Nước mắm được ủ trong chum sành, vại sứ trong vòng 18 tháng. Ảnh: Thanh Nga.

“Nước mắm Phú Sáng phơi sương vào buổi tối, không sử dụng chất bảo quản, náo đảo thường xuyên cho đến khi được 18 tháng, đồng thời thêm dứa để khử vị gắt nên sản phẩm làm ra không chỉ vàng màu cánh gián mà còn tạo hương vị đặc trưng, không thể trộn lẫn. Đây chính là yếu tố hút người tiêu dùng, kể cả những khách hàng khó tính”, chị Sáng tự hào nói.

Thời điểm "chân ướt chân ráo” hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể, HTX Phú Sáng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Song nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành địa phương cùng quyết tâm xây dựng thương hiệu hải sản Phú Sáng phát triển bền vững, HTX đã đăng ký tham gia chương trình OCOP và sản phẩm nước mắm Phú Sáng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Quá trình hoạt động, HTX chú trọng tạo sản phẩm đồng nhất với số lượng đủ lớn và không ngừng cải tiến bao bì, nhãn mác nhằm thu hút thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ, cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR để tạo sự tin cậy cho khách hàng, đối tác.

Những giọt nước mắm truyền thống thơm lừng đã được xuất khẩu sang thị trường Úc. Ảnh: Thanh Nga.

Những giọt nước mắm truyền thống thơm lừng đã được xuất khẩu sang thị trường Úc. Ảnh: Thanh Nga.

“Thừa thắng xông lên”, HTX Phú Sáng tiếp tục đầu tư 750 triệu đồng đầu tư công nghệ chiết rót tự động; xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, nâng hạng từ OCOP 3 sao lên đạt OCOP 4 sao. 

Thị trường tiêu thụ nội tỉnh từ đó được mở rộng ra các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An... với sản lượng bình quân đạt hơn 70.000 lít nước mắm các loại/năm. Đặc biệt, đầu năm 2024, người đứng đầu HTX đã liên kết với các doanh nghiệp, đưa nước mắm Phú Sáng xuất khẩu sang thị trường Úc với số lượng 15.000 lít.

“Miếng bánh chia đều”

Trẻ tuổi nhưng kinh nghiệm thương trường có thừa, nữ Giám đốc Nguyễn Thị Sáng không chỉ chèo lái hiệu quả hoạt động của HTX để đảm bảo thu nhập cho các thành viên mà còn chia sẻ lợi ích với các ngư dân liên kết cung cấp nguyên liệu cho HTX.

“Từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm chúng tôi đầu tư gần 3 tỷ đồng hỗ trợ 64 hộ dân vay vốn không lãi suất để mua sắm ngư lưới cụ vươn khơi bám biển. Bình quân mỗi hộ vay từ 50 – 100 triệu đồng. Năm này hộ này vay thì năm sau chuyển hộ khác vay, quan điểm là “miếng bánh chia đều” để ai cũng được hưởng lợi”, chị Sáng cho biết.

HTX Phú Sáng đầu tư nguồn lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Ảnh: Thanh Nga.

HTX Phú Sáng đầu tư nguồn lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài hỗ trợ cho vay vốn không lãi suất, bình quân mỗi năm HTX bao tiêu hàng trăm tấn hải sản các loại với giá cao hơn thị trường từ 5 - 10% (tùy từng loại cá, ruốc, mực) cho ngư dân các xã Cẩm Dương, Cẩm Hoà, Cẩm Lộc, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) và một số xã lân cận của huyện Kỳ Anh, Lộc Hà…

Ngư dân Lê Văn Anh (thị Trấn Thiên Cầm) dù tuổi đời mới 50 nhưng thâm niên đi biển cũng đã ngót nghét hơn 3 thập kỷ. Ông là một trong 64 ngư dân may mắn được HTX Phú Sáng kêu gọi nguồn lực hỗ trợ 50 triệu đồng mua sắm ngư lưới cụ để khai thác cá, ruốc gần bờ.

“Gia đình tôi có 2 thuyền đánh cá công suất nhỏ, sáng sớm vươn khơi đến khoảng 14 – 15h cùng ngày cập bờ bán hải sản cho HTX Phú Sáng. Toàn bộ cá, mực, ruốc khai thác về đều được HTX Phú Sáng thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg”, ông Anh phấn khởi.

Nước mắm và các sản phẩm hải sản chế biến được bán tại cửa hàng của HTX và các siêu thị lớn trên địa bàn cả nước. Ảnh: Thanh Nga.

Nước mắm và các sản phẩm hải sản chế biến được bán tại cửa hàng của HTX và các siêu thị lớn trên địa bàn cả nước. Ảnh: Thanh Nga.

Top 100 ngôi sao HTX toàn quốc

Chia sẻ kinh nghiệm vận hành một HTX non trẻ nhưng doanh thu hàng năm tăng lên đáng nể (từ hơn 8,5 tỷ đồng năm 2021 lên hơn 18 tỷ đồng năm 2023 và hơn 9 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2024), chị Nguyễn Thị Sáng nói: “Trước hết, phải xác định được mình đang đứng ở đâu để xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với năng lực tài chính, con người hiện có. Sau đó, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc kết hợp giữa kinh nghiệm, bí quyết truyền thống với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Thường xuyên cải tiến bao bì, nhãn mác để tạo nét riêng cho sản phẩm, thu hút thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, áp dụng chuyển đổi số vào công tác quảng bá, xúc tiến bán hàng”.

Để thu mua nguyên liệu cho ngư dân với giá ổn định, HTX đầu tư kho xưởng, trang thiết bị máy móc cấp đông hải sản. Tổ chức vào vụ sản xuất chính từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm bởi giai đoạn này thời tiết thuận lợi, nguyên liệu dồi dào, hơn nữa nắng nóng kéo dài dễ hong phơi, náo đảo nên nước mắm nhanh chín và cho sản phẩm chất lượng.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên đánh giá, đây là mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả hàng đầu trên địa bàn huyện. Nhờ sự nhạy bén, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu, HTX Phú Sáng đã xây dựng được sản phẩm nước mắm đạt chuẩn OCOP 4 sao.

HTX Phú Sáng nhiều lần đón nhận các bằng khen, giải thưởng từ cấp trung ương đến địa phương. Ảnh: Thanh Nga.

HTX Phú Sáng nhiều lần đón nhận các bằng khen, giải thưởng từ cấp trung ương đến địa phương. Ảnh: Thanh Nga.

“Đơn vị này hiện nay có điều kiện thuận lợi để phát triển trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên bởi địa phương có lợi thế bờ biển dài, đội tàu khá lớn so với các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Quan trọng nhất HTX đã và đang xây dựng được chuỗi liên kết có tính bền vững từ thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm”, ông Lê Ngọc Hà nhấn mạnh.

Trong vô số bằng khen, cúp vinh danh các cấp từ trung ương đến địa phương trao tặng cho HTX Phú Sáng, thành tích mới nhất đơn vị này đạt được là giải thưởng Ngôi sao HTX năm 2024. Đây là 1 trong 100 HTX trên toàn quốc được Liên minh HTX Việt Nam vinh danh.

                                                 

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.