| Hotline: 0983.970.780

Quỹ phòng chống thiên tai: Hiệu quả thấy rõ nhưng rất khó thu

Thứ Tư 06/11/2024 , 06:02 (GMT+7)

Quỹ phòng chống thiên tai có vai trò tăng cường nguồn lực, giảm bớt gánh nặng ngân sách trong ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, việc thu chi quỹ còn khó khăn.

Nguyên tắc 'giúp ngặt chứ không giúp nghèo'

Tây Ninh là tỉnh nằm sâu trong nội địa, vì vậy ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là bão lũ. Tuy nhiên, các hiện tượng lốc xoáy, ngập úng thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Dù nằm sâu trong nội địa nhưng tỉnh Tây Ninh vẫn bị ảnh hưởng bởi một số loại hình thiên tai như ngập cục bộ. Ảnh: Trần Trung.

Dù nằm sâu trong nội địa nhưng tỉnh Tây Ninh vẫn bị ảnh hưởng bởi một số loại hình thiên tai như ngập cục bộ. Ảnh: Trần Trung.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Tây Ninh, ngoài vai trò của nhà nước, nguồn lực từ Quỹ phòng chống thiên tai (sau đây gọi là Quỹ) là rất quan trọng. Trên nguyên tắc “giúp ngặt chứ không giúp nghèo”, khi có thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng, bất ngờ, Quỹ giúp các cấp chính quyền, địa phương hỗ trợ kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, một phần nguồn Quỹ được dùng để sửa chữa các công trình kênh mương nội đồng, ngăn ngừa thiên tai.

Đơn cử, ngày 19/2 vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai trên địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. 60 hộ dân với hơn 134ha cây trồng thuộc xã An Thạnh đã nhận được 270 triệu đồng trích từ Quỹ của tỉnh để người dân kịp thời tái sản xuất.

Trước đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã trích kinh phí từ Quỹ hỗ trợ gần 700 triệu đồng cho 587 hộ dân sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai trên địa bàn 4 xã: Lợi Thuận, Long Thuận, Tiên Thuận, Long Khánh và thị trấn Bến Cầu với tổng diện tích thiệt hại gần 500ha, giúp người dân có thêm điều kiện tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh Tây Ninh chi hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

UBND tỉnh Tây Ninh chi hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2015-2023, Quỹ cùng UBND cấp huyện, xã đã tổ chức thu được trên 81,2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu khoảng 9 tỷ đồng, trong đó thu từ công dân khoảng 5,5 tỷ đồng, doanh nghiệp khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2024, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức chi trên 52 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai.

Khó khăn trong việc thu chi nguồn quỹ

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban phụ trách công tác phòng, chống thiên tai tỉnh Tây Ninh cho biết, phòng chống thiên tai đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và địa phương. Việc xây dựng ý thức cộng đồng đối với công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai là yếu tố quan trọng, vì thiên tai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của từng người dân.

Tuy nhiên, công tác thu Quỹ đối với doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp tại địa phương hiện chỉ đạt tỷ lệ khoảng 11-15%/năm, còn nhiều tồn tại, hạn chế do nhiều doanh nghiệp và người lao động chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khảo sát, lập phương án phòng chống thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khảo sát, lập phương án phòng chống thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2022/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, Quỹ phòng chống thiên tai…, tuy nhiên, quy trình xử lý vi phạm hành chính phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần tổ chức bộ máy chuyên trách để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác này.

Tại Bình Phước, Quỹ tỉnh được thành lập năm 2015 và đã được sử dụng hiệu quả, kịp thời trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là trong các tình huống cấp bách. Sau 10 năm thực hiện, tổng số thu được gần 90 tỷ đồng, Quỹ đã chi hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai hơn 10 tỷ đồng và hỗ trợ sửa chữa 32 công trình phòng chống thiên tai với số tiền gần 44 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thu Quỹ, Bình Phước gặp phải một số khó khăn như: nguồn thu chỉ đáp ứng một phần so với yêu cầu chi, một số đơn vị và địa phương chưa quan tâm đến công tác thu, nợ đọng vẫn còn tồn tại.

Quỹ phòng chống thiên tai góp một phần kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Quỹ phòng chống thiên tai góp một phần kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết thêm, sau khi Nghị định 78/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 94/2014/NĐ-CP, được ban hành, nguồn thu Quỹ trên địa bàn tỉnh đã giảm gần một nửa (từ 12 tỷ đồng/năm còn 7,5 tỷ đồng/năm) trong khi nhu cầu hỗ trợ từ các địa phương lớn, đặc biệt là công tác sửa chữa cấp bách các công trình phòng chống thiên tai.

“Do đó, công tác phân bổ và điều phối Quỹ gặp nhiều khó khăn. Cần có sự hỗ trợ từ ngân sách hoặc Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương cho công tác sửa chữa cấp bách các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần xác định cơ chế đối ứng của các địa phương trong hoạt động này”, ông Phạm Thụy Luân nhấn mạnh.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Theo PGS. TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn là 0,02% trên tổng giá trị tài sản với mức tối thiểu là 500 nghìn đồng và tối đa là 100 triệu đồng, được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức. Tuy vậy, đa số doanh nghiệp chỉ nộp mức thấp nhất do khó xác định giá trị tài sản để thu theo quy định.

PGS. TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam chia sẻ giải pháp. Ảnh: Trần Trung.

PGS. TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam chia sẻ giải pháp. Ảnh: Trần Trung.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết thêm, biểu mẫu thu Quỹ rườm rà, chưa có hướng dẫn xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp của công nhân. Thêm vào đó, nhiều lao động đã nộp Quỹ tại địa phương nhưng lại không tham gia đóng tại doanh nghiệp và ngược lại. Việc thu Quỹ cũng chưa công bằng giữa các doanh nghiệp vì một số doanh nghiệp không đóng Quỹ trong thời gian qua nhưng không bị xử lý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, để phát huy hiệu quả cao nhất, Chính phủ cần đưa ra các quy định cụ thể về tiêu chí và quy trình thu - chi Quỹ, đảm bảo tính minh bạch trong việc xác định mục tiêu, ưu tiên chi tiêu, quyền hạn quyết định và cơ chế kiểm tra, giám sát.

“Những điều chỉnh này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng Quỹ mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp đóng góp tích cực hơn vào công tác phòng, chống thiên tai của cả nước”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ.

'Để tăng cường tính minh bạch, cần công khai thông tin liên quan đến thu và chi Quỹ, bao gồm các khoản thu, nguồn thu và chi tiêu chi tiết. Thông tin này nên được công bố trên trang web chính thức của Quỹ, trong báo cáo thường niên và qua các phương tiện truyền thông', ông Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ.

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Một ngư dân mất tích khi đang đánh cá trên biển

Quảng Trị Trong lúc thả neo, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn bị dây neo vướng vào chân, rơi xuống biển mất tích. Các thuyền viên đã tích cực tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa thấy.