| Hotline: 0983.970.780

Khai thác cát ở đâu, đất đai đổ ập xuống sông ở đó

Thứ Năm 24/10/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đoan Hùng, Phù Ninh, Hạ Hòa, Tam Nông…, nhiều điểm nóng khai thác cát trên các tuyến sông Chảy, sông Hồng, sông Lô ở tỉnh Phú Thọ đang sạt lở nghiêm trọng.

Sông Chảy nuốt đất canh tác của người dân. Ảnh: Bảo Khang. 

Sông Chảy nuốt đất canh tác của người dân. Ảnh: Bảo Khang. 

Cận cảnh những “điểm chết”

Với tuyến sông Chảy, sông Lô chảy qua địa bàn, từ nhiều năm trước, huyện Đoan Hùng là một điểm nóng về trình trạng khai thác cát sỏi và bến bãi tập kết vi phạm pháp luật đê điều, hành lang thoát lũ. Năm 2019 Báo Nông nghiệp Việt Nam từng thực hiện loạt bài "Cát loạn Phú Thọ", trong đó phản ánh việc người dân các xã ven sông Chảy lâm vào cảnh mất đất sản xuất, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn trước nạn khai thác cát sỏi ồ ạt ở trên địa bàn. Hay tình trạng bến bãi phạm pháp trở thành vấn đề nóng trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Mặc dù sau đó một số mỏ cát được cấp phép trên tuyến sông qua các xã Hùng Xuyên, Hùng Quan, Phú Lâm phải dừng hoạt động, tuy nhiên tình trạng sạt lở bờ vở sông vẫn liên tiếp xảy ra, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Anh Nguyễn Hữu Tính, một người dân ở thôn Đông Dương, xã Hùng Xuyên ngán ngẩm: Từ năm 2019 dân xã Đông Khê cũ đã mất hơn 10ha đất đai sản xuất, mồ mả ông bà tổ tiên bị cuốn xuống sông. Mùa mưa lũ năm nào cũng sạt lở. Năm ít thì vài chục mét, năm nhiều cả trăm mét, nhìn cánh đồng Cây Vải, Đồng Mã bị cuốn xuống sông người dân chúng tôi xót lắm nhưng bất lực rồi.

Bất lực nhìn hoa màu bị đổ xuống sông. Ảnh: Bảo Khang. 

Bất lực nhìn hoa màu bị đổ xuống sông. Ảnh: Bảo Khang. 

Sau bão số 3 vừa rồi, tình trạng sạt lở trên sông Chảy tiếp tục diễn biến phức tạp. Xã Hùng Xuyên có gần 20km đường sông men theo tỉnh lộ 322 và 323. Dọc tuyến sông Chảy qua Hùng Xuyên hầu như chỗ nào cũng có điểm bị sạt lở, trong đó có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 4,5 km ở 3 khu gồm Đông Dương, Hồng Minh và Nghinh Lạp. Theo quan sát của PV, có nhiều điểm sạt lở chỉ còn cách mép đường liên xã chưa tới 1m, trực tiếp đe dọa đến đời sống của hàng trăm hộ dân, nhiều gia đình còn bị cuốn trôi cả đất thổ cư, phải di chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

Điển hình như tại khu vực cống Duỗn, xã Phú Lâm, sạt lở đã uy hiếp toàn bộ hệ thống cống và chỉ cách tỉnh lộ 323 vài mét. Toàn bộ chân cống Duỗn đã bị sạt mạnh, ăn sâu vào phía trong gây mất an toàn cho cống và có nguy cơ sạt lở vào đường 323. Còn tại khu Tiền Phong, xã Hùng Long nằm ven bờ sông Lô, sạt lở gây đứt đường tỉnh lộ 323, tuyến đê tả Lô đã bị sạt lở ngoạm sâu vào đường 323 làm giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

“Từ nhiều năm trước khi khai thác cát còn rầm rộ, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về đối thoại với dân, hứa sẽ làm đê kè cho bà con nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì”, anh Nguyễn Hữu Tính, người dân khu Đông Dương thắc mắc.

Sạt lở sông Lô ngay gần khu vực cấp phép Công ty Cổ phần Đạt Hưng khai thác cát sỏi. Ảnh: Bảo Khang.

Sạt lở sông Lô ngay gần khu vực cấp phép Công ty Cổ phần Đạt Hưng khai thác cát sỏi. Ảnh: Bảo Khang.

Cũng trên tuyến sông Lô, đoạn chảy qua huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, ở những điểm cấp phép khai thác cát sỏi, tình trạng sạt lở khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Cụ thể tại khu vực xã các xã Tiên Du, Trị Quận, tình trạng sạt lở bờ sông Lô không chỉ đe dọa an toàn hệ thống đê điều mà còn gây thiệt hại đáng kể đến tài sản và đất đai của các hộ dân sinh sống trong khu vực. Điều đáng nói, một số điểm trên sông Lô ở xã Tiên Du hiện được cấp phép cho Công ty Cổ phần Đạt Hưng khai thác cát sỏi. Mặc dù chính quyền địa phương cho biết việc khai thác cát sỏi vẫn tuân thủ đúng mốc giới được cấp phép, và vị trí sạt lở xảy ra ở khu vực xa khu vực khai thác, tuy nhiên người dân địa phương lo lắng, việc khai thác cát sẽ tác động không nhỏ đến tình trạng sạt lở bờ sông.

Anh Hà Văn Tú và vườn chuối bị sông nuốt chửng hơn 2/3. Ảnh: Bảo Khang. 

Anh Hà Văn Tú và vườn chuối bị sông nuốt chửng hơn 2/3. Ảnh: Bảo Khang. 

Trên sông Hồng, đau đớn nhất là trường hợp anh Hà Văn Tú (xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa). Tú là người trồng chuối nhiều nhất huyện với diện tích hơn 61ha chuối độ khoảng 2 tháng nữa là được thu nhưng bây giờ trở thành người tay trắng.

“35ha bị cuốn trôi, còn lại 26ha số bị cát vùi, số khác bị ngập úng, chết đỏ, tổng thiệt hại sau lũ khoảng hơn 10 tỷ đồng. Ai cũng đổ cho nguyên nhân bão số 3 nhưng tôi cho rằng có ảnh hưởng không nhỏ từ các mỏ khai thác cát được cấp phép ở khu vực lòng sông. Hiện gia đình đang làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng để làm rõ nội dung này”, Hà Văn Tú khẳng định.

Loạt doanh nghiệp khai thác cát vi phạm

Liên quan đến hoạt động khai thác cát sỏi trên các tuyến sông, cuối tháng 8 vừa rồi UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp có dấu hiệu không tuân thủ các quy định về thiết kế mỏ trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn.

Theo quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ, tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác của các đơn vị đã được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông đang sử dụng các thiết bị, phương tiện có công suất khai thác không phù hợp để lựa chọn thiết bị, phương tiện đúng theo hồ sơ thiết kế khai thác đã được thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh công suất khai thác, chế độ khai thác của mỏ. Tổng cộng có 35 mỏ khai thác cát, sỏi trên sông Hồng, sông Đà thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ quản lý phải tạm dừng hoạt động, trong đó có 8 mỏ trên sông Đà, 27 mỏ trên sông Hồng.

Kiểm tra một số đơn vị khai thác, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vi phạm. Đơn cử như Công ty Cổ phần Thống Nhất, đang hoạt động khai thác cát lòng sông Hồng tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao. Theo hồ sơ cấp phép, thiết bị khai thác của doanh nghiệp này là 3 tàu hút có công suất 25 m3/giờ, hoặc 2 tàu cuốc (công suất 15 m3/giờ), hoặc 3 cẩu gầu dây dung tích gầu 0,6 m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, Công ty Cổ phần Thống Nhất đang sử dụng 3 phương tiện khai thác gồm: tàu hút số hiệu PT 2912, có thông số kỹ thuật về khả năng khai thác 1.080 m3/giờ; tàu hút số hiệu VP 2175 có khả năng khai thác 900 m3/giờ; tàu hút số hiệu PT- 2861 có khả năng khai thác 900 m3/giờ.

Tình trạng sạt lở đe dọa đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân ven sông ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Bảo Khang. 

Tình trạng sạt lở đe dọa đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân ven sông ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Bảo Khang. 

Cũng trên sông Hồng, tại khu vực xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao), Công ty Cổ phần đầu tư phát triển khoáng sản Phú Đức được thẩm định số lượng thiết bị khai thác 4 tàu cuốc (công suất 15 m3/giờ), hoặc 5 tàu hút (công suất 25 m3/giờ), hoặc 2 cẩu gầu dây dung tích gầu 0,6 m3. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã sử dụng tàu hút mang số hiệu PT-2690, có thông số kỹ thuật về khả năng khai thác trên giấy chứng nhận đăng kiểm là 1.095 m3/giờ; tàu hút mang số hiệu PT- 2790 có thông số kỹ thuật về khả năng khai thác của phương tiện trên giấy chứng nhận đăng kiểm là 730 m3/giờ…

Tại khu vực này, Công ty Cổ phần Đại Bảo Phú Thọ được sử dụng 1 tàu cuốc với công suất 60 m3/giờ, hoặc 1 tàu hút, công suất 50 m3/giờ, nhưng doanh nghiệp này lại dùng tàu hút mang số hiệu HN-1536, có thông số kỹ thuật về khả năng khai thác là 1.440 m3/giờ.

Sau khi kiểm tra và phát hiện loạt sai phạm nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo đề xuất với UBND tỉnh Phú Thọ giao Công an tỉnh Phú Thọ chủ trì phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Trong thời gian tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi, nếu xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các đơn vị nêu trên, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có liên quan, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ”, văn bản của UBND tỉnh Phú Thọ nêu rõ.

Xem thêm
Tỉnh Thái Bình sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã thành 10 đơn vị

Giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Thái Bình sẽ sắp xếp, sáp nhập 28 đơn vị hành chính cấp xã về còn 10 đơn vị theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khoa học công nghệ đóng góp trên 35% vào thành công của nông nghiệp Việt Nam

HÀ NỘI Sáng 22/10, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với CSIRO (Úc) tổ chức hội thảo về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Quảng Nam sẵn sàng sơ tán hàng trăm ngàn người nếu bão Trà Mi đổ bộ

Trong trường hợp bão Trà Mi đổ bộ ở cấp siêu bão, tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ sơ tán gần 400.000 người dân đến nơi an toàn.

Bình luận mới nhất