| Hotline: 0983.970.780

Quy trình làm sách giáo khoa có bị bóp méo bởi Thông tư 33?

Thứ Năm 05/11/2020 , 12:11 (GMT+7)

Trước những dư luận về bộ sách giáo khoa Cánh Diều, ngày 29/10/2020, tại Công văn số 9021/VPCP-KTTH, Chính phủ đã có chỉ đạo về quản lý giá sách giáo khoa.

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều đang khiến dư luận xã hội quan tâm (Ảnh minh họa).

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều đang khiến dư luận xã hội quan tâm (Ảnh minh họa).

Công văn số 9021/VPCP-KTTH, ngày 29/10/2020 của Chính phủ về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020, Chính phủ chỉ đạo:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể, chi tiết việc triển khai xã hội hóa sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, từ đó đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa cho phù hợp với yêu  cầu  thực  tiễn.

Bộ Tài  chính  nghiên  cứu rà soát, đánh giá tổng  thể việc thi hành Luật Giá để có định hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý giá nói chung trong đó có vấn đề quản lý giá sách giáo khoa”.

Chủ trương đúng đắn

Trước hết phải khẳng định, chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại điểm g khoản 3 Điều 2 quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Tại điểm d khoản 2 Điều 1 Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: “Khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa”.

Điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3 Điều 32 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh.”

Với các quy định này, được hiểu rõ ràng ở hai khâu, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về biên soạn sách giáo khoa, còn việc xuất bản sách giáo khoa được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất bản.

Quy trình bị bóp méo?

Triển khai các quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 về Ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Tuy nhiên, Điều 10, Điều 18 của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT đã làm triệt tiêu mục tiêu xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Đặc biệt, Điều 9 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT gắn nhà xuất bản vào quy trình biên soạn sách giáo khoa, dẫn đến không tách biệt khâu biên soạn với khâu xuất bản không đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cụ thể:

Thứ nhất, Điều 10 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn của tổ chức biên soạn sách giáo khoa lại đưa thêm điều kiện tại khoản 3: Được một nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này đảm nhận tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp tổ chức thực nghiệm và đề nghị thẩm định sách giáo khoa”.

Dư luận đặt một dấu hỏi lớn ở đây là tại sao đang quy định tiêu chuẩn của tổ chức biên soạn sách giáo khoa lại phải có một nhà xuất bản nhận tổ chức biên tập? Bởi vấn đề cần quan tâm ở đây là một tổ chức như thế nào mới có đủ năng lực để biên soạn sách giáo khoa và phải công bằng với tiêu chuẩn của cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Như vậy, nếu Nhà xuất bản đủ điều kiện cũng có thể tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Mặt khác, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện biên soạn sách giáo khoa phải chủ động để chuẩn bị đầy đủ Hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.

Do đó, Nhà xuất bản nào có đủ uy tín, cung cấp dịch vụ tốt nhất họ sẽ lựa chọn để giúp họ biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa (hoặc nếu họ tự làm được thì càng tốt) đảm bảo chất lượng và giảm chi phí. Nếu quy định như Điều 10 sẽ triệt tiêu quyền chủ động của họ và trong trường hợp Nhà xuất bản cũng tham gia biên soạn sách giáo khoa sẽ không công bằng.

Thứ hai, Điều 18 Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa là Nhà xuất bản. Câu hỏi lại được đặt ra là tại sao Nhà xuất bản lại tước quyền đề nghị thẩm định của Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa? Họ biên soạn sách thì họ phải có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt sản phẩm của họ khi đáp ứng yêu cầu chứ?  

Quy định như Điều này đã tước quyền của tổ chức, cá nhân biên soạn trao cho Nhà xuất bản, làm mất đi sự bình đẳng trong quan hệ dân sự giữa tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa với Nhà xuất bản đóng vai trò là tổ chức có đủ năng lực biên tập và xuất bản được lựa chọn. Điều này cũng không phù hợp với phạm vi, chức năng của Nhà xuất bản theo quy định của pháp luật về xuất bản. Như vậy, có lợi ích nhóm ở đây hay không?

Thứ ba, Điều 9 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT đáng ra phải quy định một quy trình biên soạn sách giáo khoa cụ thể từ khâu tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tổ chức biên soạn sách giáo khoa, cơ chế cho tổ chức, cá nhân tổ chức biên tập, hoàn thành mẫu sách giáo khoa; tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa (tổ chức cá nhân tự làm hoặc lựa chọn một tổ chức đủ điều kiện về uy tín, giá thành tốt nhất để giúp mình làm) đến khâu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.

Tuy nhiên Điều 9 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT lại quy định:

  • a) Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký và và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này;
  • b) Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa;
  • d) Nhà xuất bản có sách giáo khoa được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định.

Sau đó gắn tất cả các quyền của Nhà xuất bản vào điều kiện của tổ chức được biên soạn sách giáo khoa tại Điều 10, điều kiện của đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa tại Điều 18.

Như vậy có phải Nhà xuất bản có tất cả các quyền cơ bản nhất của một tổ chức, cá nhân biên soạn sách và biến tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa thành người làm thuê cho Nhà xuất bản không? Và từ một chủ trương đúng đắn, quy định, quy trình rõ ràng đã bị Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT bóp méo, dẫn đến những sai sót như trong bộ sách giáo khoa Cánh Diều không? 

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định):

Sách giáo khoa tiếng Việt ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam, dẫn tới giáo viên phải vừa dạy vừa điều chỉnh. Đây là thực tế đang xảy ra, dẫn đến dư luận không tốt.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo.

Điều đáng nói là những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đưa vào sử dụng mới bộc lộ, mà không được phát hiện sớm hơn từ quá trình biên soạn hay quá trình thẩm định, phê duyệt. Là một đại biểu đang công tác trong ngành giáo dục, bản thân tôi cảm thấy rất tiếc về sự cố này.

Mặc dù Bộ GD-ĐT khẳng định phê duyệt sách là đúng quy định; Hội đồng Thẩm định Quốc gia cho biết đã làm hết sức trách nhiệm; hay nhóm tác giả soạn thảo cho biết nội dung đưa vào sách giáo khoa đã được chọn lọc phù hợp, nhưng để tạo sự đồng thuận từ trong ngành giáo dục đến toàn xã hội, đề nghị cần triển khai ngay 3 biện pháp.

Thứ nhất, phải làm rõ có hay không sai sót ở đây, và nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào, trách nhiệm xử lý khắc phục hậu quả thuộc về ai?

Quan điểm của tôi là sách giáo khoa đã sai bắt buộc phải sửa và không thể để một thế hệ học sinh trẻ của chúng ta học sách giáo khoa sai sót như vậy. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GT-ĐT tạm dừng thực hiện và khẩn trương tiến hành rà soát, thẩm định lại với toàn bộ số sách giáo khoa này.

Đối với từng môn học, cần thành lập một Hội đồng thẩm định quốc gia với tất cả thành viên mới, thẩm định lại khách quan, minh bạch, thật kỹ lưỡng, chính xác thì mới đưa sách giáo khoa vào sử dụng, nhằm tạo sự yên tâm cho toàn xã hội.

Về kinh tế, để thực hiện thẩm định lại, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, từ biên soạn đến thẩm định đến phê duyệt để ban hành.

Trước hết, với nhóm tác giả, nguồn lợi mà họ thu được phải gắn với trách nhiệm đến khâu cuối cùng. Sách của nhóm nào sai sót thì chủ biên của nhóm đó phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, khi buộc phải thu hồi để chỉnh sửa thì cần cung cấp sách thay thế, miễn phí cho học sinh, tránh để phụ huynh, học sinh phải thiệt hại kép.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.