| Hotline: 0983.970.780

Quyên góp phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris

Thứ Tư 17/04/2019 , 09:54 (GMT+7)

Ngay trong đêm 15/4, dưới chân quả cầu lửa đang nuốt trọn mái vòm và tháp nhọn của một trong những công trình có tuổi thọ lâu đời nhất Paris, công trình văn hóa tiêu biểu không chỉ của Pháp và cả châu Âu, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Nhà thờ Đức Bà sẽ được chung tay phục dựng.

“Lịch sử xứng đáng (được ứng xử) như vậy, đó là định mệnh của (những người Pháp) chúng ta”, ông Macron nói. “Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà”.

Mặc dù chưa có kết luận kiểm tra chính xác và toàn diện mức độ thiệt hại xảy ra với công trình 850 tuổi sau hơn 4 tiếng bị lửa tấn công dữ dội, nhưng thông tin ban đầu cũng đủ khiến những tấm lòng đang hướng về trái tim văn hóa châu Âu: Toàn bộ kiệt tác văn hóa và tôn giáo trong nhà thờ được di dời an toàn, kết cấu chịu lực chính của tòa nhà không bị ảnh hưởng. Tổng thống Macron đã kêu gọi sự chung tay của mọi tấm lòng thành và sẽ mời tất cả “những bộ óc tài hoa nhất thế giới” tham gia công cuộc tái thiết.

Tỷ phú người Pháp Francois-Henri  Pinault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn thời trang Kering sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Gucci hay Yves Saint Laurent là người đầu tiên đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Macron. Ông cam kết đóng góp 100 triệu EUR để phục dựng Nhà thờ Đức Bà. Một ông lớn trong ngành thời trang Pháp là gia đình Bernard Arnault - chủ sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton và Sephora - cũng cam kết góp 200 triệu EUR. Hãng dầu Total cam kết 100 triệu EUR. 

Quỹ từ thiện Patrimoine của Pháp nhận lời phát động chiến dịch gây quỹ toàn cầu cho công việc thiện nguyện này, theo Quỹ Di sản thế giới Unesco.

Nhà thờ Đức Bà Paris là một điểm du lịch chính của Pháp, mỗi ngày thu hút khoảng 30.000 - 50.000 đến chiêm ngưỡng. Lòng nhà thờ dài 130m, rộng 48m và mái vòm cao 35m. Nhà thờ có 2 tòa tháp chuông chính thiết kế theo phong cách tiền Gô-tích, mỗi tháp có 3 tầng, treo chuông và trang trí họa tiết cùng phong cách, ở trên đỉnh là các bức họa chân dung các vị quân vương được nhắc đến trong Kinh Cựu ước.

Từ Mỹ, lời kêu gọi của Paris cũng đã được đáp lại. Quỹ Di sản Pháp đóng trụ sở ở New York cùng tổ chức Go Fund Me cam kết sẽ có trách nhiệm ở tầm mức cao nhất dành cho công trình “phải đến thăm” với bất kỳ khách du lịch nào tới Paris. Giám đốc Quỹ Di sản Pháp Jennifer Herlein cho biết, họ không kiểm soát tiền quyên góp mà những sự hảo tâm sẽ được chuyển thẳng cho nhà thờ.

Trên trang chủ Go Fund Me, phát ngôn viên của tổ chức là John Coventry cho biết họ đang điều phối hơn 50 cuộc phát động quyên góp đã được lập ra tính đến 12h đêm 15/4. “Nhiệm vụ của chúng tôi giờ là tìm cách để mọi đóng góp được sử dụng trực tiếp và hiệu quả nhất”, ông Coventry nói.

“Tôi lo rằng, với thế hệ chúng tôi có khi không còn cơ hội được vào ngắm lại nhà thờ nữa”, Marion Lacroix - một người Paris 54 tuổi than thở và cầu nguyện khi ánh lửa còn đang bập bùng trên nóc Nhà thờ Đức Bà. Bộ trưởng Nội vụ Laurent Nunez cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự.

Trong khi đó, Thị trưởng Paris Anne  Hidalgo cảm thán trên Twitter: “Đây là nỗi đau không diễn tả được thành lời”. Vụ hỏa hoạn là sự cố mới nhất Paris phải hứng chịu. Năm 2015, Paris bị cùng lúc 2 vụ tấn công khủng bố nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến 2. Từ tháng 11/2018, cứ đều đặn cuối mỗi tuần lực lượng biểu tình Áo Vàng khuấy đảo trung tâm thủ đô và xung đột bạo lực với cảnh sát.

Riêng với Nhà thờ Đức Bà, đầu thế kỷ 19 đã từng bị bỏ hoang tàn đến mức sắp bị xóa sổ từ cuộc cách mạng Pháp thì được Napoleon can thiệp và cứu thoát sau lễ đăng quang của chính ông ngay trong nhà thờ vào năm 1804. Tuy không là mục tiêu trong chiến dịch ném bom của Đức nhằm vào Paris suốt Thế chiến 1, nhưng trong Thế chiến 2 nó bị hư hại ít nhiều.

- Nhà thờ Đức Bà được khởi công năm 1163, khánh thành năm 1345. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu theo trường phái Gô-tích, bằm trên đảo nhỏ có tên cổ là Ile de la Cite nổi lên giữa dòng sông Seine.

- Để lên tháp chuông chính theo ở tòa tháp phía nam, du khách cần leo 387 bậc thang. Đây là nơi rung chuông báo hiệu chấm dứt Thế chiến 2.

- Tháp nhọn trên đỉnh mái vòm bị đổ sập do lửa trong đêm 15/4 được làm bằng gỗ và chì. Vào thế kỷ 18, nó từng bị gãy đổ do gió mạnh và được làm lại trong thế kỷ 19. Sau thời kỳ bị bỏ hoang, Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng trở lại sau khi Victor Hugo xuất bản tiểu thuyết Thằng gù Nhà thờ Đức Bà năm 1831. Cuộc đại trùng tu gần đây nhất được thực hiện năm 1844.

- Nhà thờ treo những bức họa, bức tượng vô giá như tượng Claude-Henry d'Harcourt bằng đá cẩm thạch tạc năm 1776, tượng Thánh mẫu và đứa trẻ tạc vào thế kỷ 14 và được chuyển đến năm 1818. Các tấm kính màu cũng được xếp vào hàng tuyệt tác. Ngoài ra còn có bộ đàn organ cổ và lớn nhất nước Pháp, độc nhất vô nhị làm từ thế kỷ 18, gồm có 5 bộ phím gõ, 109 nắp hơi và 8.000 ống âm thanh.

- Nhà thờ Đức Bà được xếp hạng di sản vật thể thế giới của Unesco năm 1991.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.